Theo các chuyên gia, nếu khơi thông các chính sách, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng hiệu quả, trung hòa carbon hoặc ít phát thải carbon.
Doanh nghiệp tự chủ năng lượng
Giữa tháng 5 này, tập đoàn trang sức Pandora sẽ khởi công nhà máy hơn 150 triệu USD tại Bình Dương. Để đưa ra quyết định "lót ổ" tại Việt Nam, tập đoàn trang sức lớn nhất thế giới này đã có quá trình chọn lọc kỹ lưỡng 27 quốc gia khác để cân nhắc các lợi thế của từng quốc gia.
Điều đặc biệt khi quyết định xây nhà máy tại Việt Nam, Tập đoàn Pandora sẽ xây nhà xưởng đạt tiêu chuẩn LEED Gold (chứng nhận công trình xanh uy tín được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ) và nhà máy sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo. Đây cũng sẽ là nhà máy thứ 3 của tập đoàn này dùng 100% điện từ nguồn năng lượng tái tạo khi 2 nhà máy trước đều dùng điện mặt trời.
Kế bên địa điểm Pandora xây dựng nhà máy, công trường của Tập đoàn Lego những ngày này cũng nhộn nhịp nhân công khi nhà thầu đang gấp rút xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên thế giới. Theo đó, Tập đoàn Lego sẽ xây dựng trang trại điện mặt trời công suất 50MW, dự kiến triển khai cạnh nhà máy sản xuất đồ chơi và lắp thêm 4MW điện mặt trời áp mái để các nguồn điện trên phục vụ hoạt động sản xuất của Lego.
Trong khi đó, tại nhà máy sản xuất ở Thái Nguyên, Công ty Trina Solar đã xây dựng và vận hành nhà máy được dùng 100% điện mặt trời. Nhà máy này có diện tích hơn 160.000m2, toàn bộ hệ thống mái được lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 12,6MW. Đặc biệt, nhà máy này được lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS), do đó lượng điện sản xuất từ hệ thống quang năng trên mái sẽ được lưu trữ để cung cấp nguồn điện giúp các máy móc vận hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Elva Wang - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar - cho biết việc các nhà máy tăng sử dụng điện mặt trời, lắp đặt cả hệ thống lưu trữ điện sẽ giúp nhà máy chủ động về năng lượng và giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.
Theo bà Elva Wang, giá hệ thống lưu trữ điện đã giảm đến 10 lần trong 10 năm qua. Đặc biệt từ năm ngoái đến nay, giá hệ thống lưu trữ cũng giảm đến phân nửa, do đó các doanh nghiệp đã dễ dàng hơn trong việc chủ động nguồn điện từ điện mặt trời.
Nỗ lực giảm phát thải
Là doanh nghiệp có nhiều nhà máy tại Việt Nam, Tập đoàn Nestlé cho biết doanh nghiệp này cam kết giảm 20% lượng phát thải vào 2025 và giảm đến 50% lượng phát thải vào 2030 để đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã giảm đến 13,58% lượng phát thải nhờ những nỗ lực thay đổi trong quy trình sản xuất.
Ông Khuất Quang Hưng - giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam - cho biết tập đoàn này cũng nỗ lực giảm phát thải trên cả chuỗi cung ứng, trong đó tập đoàn này đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào 2025. Tuy vậy, ông Hưng cũng bày tỏ lo ngại nếu các cơ chế, chính sách về điện mặt trời chưa được ban hành sẽ tác động đến tiến độ sử dụng điện tái tạo của tập đoàn này tại Việt Nam.
Trong khi đó, tổng giám đốc một doanh nghiệp may tại TP.HCM cho biết doanh nghiệp là đối tác cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn có cam kết giảm phát thải. Do đó, các nhà máy của doanh nghiệp này cũng phải áp dụng lộ trình giảm phát thải carbon, trong đó doanh nghiệp đã lắp đặt toàn bộ điện mặt trời trên mái các nhà xưởng để tăng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2 từ quá trình sản xuất.
"Nếu không có lộ trình giảm phát thải, đối tác sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng đến các đơn vị khác có lộ trình rõ ràng, thậm chí là dịch chuyển khỏi Việt Nam để đến các thị trường khác nên chúng tôi bắt buộc phải cạnh tranh, áp dụng các biện pháp để giảm phát thải trong quá trình sản xuất", vị này nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM - cho hay việc giảm phát thải trong các đơn vị xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản đang dần trở nên cấp thiết. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng các máy móc ít tiêu tốn điện, chuyển đổi công nghệ lò hơi và phải lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng để đạt các tiêu chí xanh và giảm phát thải.
Ông Đào Xuân Đức - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho hay cả doanh nghiệp FDI lẫn các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đều phải thực hiện các cam kết về môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt và tiếp tục có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp. Do đó, ông Đức cho rằng cần sớm ban hành cơ chế để giúp doanh nghiệp giảm phát thải, vượt qua các "hàng rào xanh" trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa.
Thúc đẩy phát triển thị trường carbon
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị về "Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định". Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi với quốc tế.
Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
Còn Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ hoàn thiện đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon.