Ngày 7-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông).
Theo đó, Công ty TNHH Nam Tiến, có trụ ở TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được đồng ý là nhà đầu tư dự án trên, với tổng mức vốn 715 tỉ đồng.
Dự án sẽ xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa tại thôn A Đeng với diện tích khoảng 12,5ha, đảm bảo đồng bộ tiếp nhận, lưu trữ và chuyển tải than thuộc hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, công suất hàng hóa lưu thông khoảng 30 triệu tấn/năm.
Dự án kho bãi than chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 15 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 1 đi vào hoạt động ở quý 4-2025.
Công ty Nam Tiến hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực khai thác quặng, xuất nhập khẩu quặng, than... Trong văn bản đề xuất dự án gửi tỉnh Quảng Trị, công ty cho hay đang có dự án về lĩnh vực khai thác, quản lý mỏ than đá tại tỉnh Sekong và Salavan (Lào).
Hiện nay, thị trường tiêu thụ than tại Lào còn thấp, phần lớn sản phẩm than công ty khai thác được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Để xuất khẩu than sang Việt Nam phải thực hiện vận tải bằng đường bộ từ mỏ qua cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) và đến các cảng biển. Vì vậy, đầu tư xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa tại tỉnh Quảng Trị là hết sức cần thiết.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng than đá nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam hiện rất lớn, thời điểm cao nhất lên tới 12.000 tấn/ngày, với khoảng 500 lượt xe.
Tuy nhiên, diện tích cửa khẩu hai bên Việt Nam - Lào đều không lớn, chưa có bãi tập kết hàng hóa, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông qua lại tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay.
Ngoài ra, tiềm năng xuất nhập khẩu than đá giữa hai nước rất lớn, có thể đạt 500 triệu tấn trong vòng 50 năm tới.
Sở này cũng thống nhất việc đầu tư xây dựng kho bãi tập kết hàng tại khu vực La Lay phục vụ việc tập kết, vận chuyển than đá là rất cần thiết.
Tháng 7-2024, tỉnh Quảng Trị cũng chấp thuận dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Nhà đầu tư dự án băng tải này cũng chính là Công ty Nam Tiến.
Dự án có điểm đầu tại biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tại kho bãi hàng hóa ở thôn A Đeng - chính là dự án vừa cấp ở trên.
Trong năm 2023, Quảng Trị nhập khẩu 2,2 triệu tấn than đá từ Lào. Tuy nhiên, lượng xe tải tăng đột biến khiến hạ tầng ở cửa khẩu quốc tế La Lay, quốc lộ 15D, đường Hồ Chí Minh nhánh tây và quốc lộ 9 có dấu hiệu quá tải, xuống cấp.