Thông tin được nêu ra Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 được tổ chức tại Bình Dương sáng 14/11. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức với hơn 30 công ty công nghệ, hàng nghìn đại biểu tham gia.
Với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", diễn đàn hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của nước ta.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, diễn đàn năm nay tập trung hai định hướng: phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung và cầu trên các ngành, lĩnh vực; sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, các lĩnh vực để phát triển kinh tế số để nâng cao năng suất lao động.
Chương trình sẽ thảo luận về các nội dung: kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp, kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số. Ngoài ra đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
"Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số, thúc đẩy sản xuất thông minh, phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số xanh và bền vững", ông Hùng cho biết.
Theo Ban tổ chức, những năm qua, công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực. Với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD...
Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong tối ưu hóa quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh doanh, cung cấp dịch vụ khách hàng, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, toàn cầu, là sự lựa chọn mang tính chiến lược. Nó vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức nên chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.
Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
Cụ thể, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ông Bình cho rằng chúng ta cần tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên chính: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo; quản trị số; phát triển dữ liệu số.
Phó thủ tướng thường trực mong muốn thông qua sự kiện này, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp nhận được nhiều bài học, kinh nghiệm quý, lan tỏa khát vọng chuyển đổi số quốc gia.
"Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm: rộng hơn - toàn diện hơn - nhanh hơn - chất lượng hơn - thiết thực hơn", ông Bình nói.
Diễn đàn năm nay gồm phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề gồm: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và Sáng tạo số, AI và dịch vụ.