Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, hiện giá gạo bán lẻ tại nhiều cửa hàng, công ty vẫn chưa hạ nhiệt nhiều so với các tháng trước đó. Thậm chí, một số dòng neo cao và xu hướng tăng thêm.
Giá bán nhiều loại gạo thông dụng neo cao cả năm qua
Theo khảo sát tại nhiều cửa hàng bán lẻ, giá gạo thường/gạo trắng thông dụng đang ở ngưỡng 17.000 - 19.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 21.000 - 23.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine giá 19.000 - 22.500 đồng/kg; gạo Hương Lài giữ mức 22.000 - 23.500 đồng/kg...
Trong khi đó, theo thông tin báo giá của Công ty An Bình Phát (TP.HCM), giá bán lẻ đối với các loại gạo thông dụng như gạo 404 (nở xốp 10% tấm) giá 16.500 đồng/kg; gạo Hương Lài, gạo 504 cũ 18.500 đồng/kg; gạo thơm Thái Lan 20.000 đồng/kg; gạo Tám Thơm, gạo Nàng Thơm Chợ Đào 23.000 đồng/kg; gạo Long Lài ST 21 24.000 đồng/kg; gạo Lài Miên Campuchia 27.000 đồng/kg...
Nhiều người tiêu dùng cho biết giá gạo như trên đã giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của các tháng trước đó. Tuy nhiên, nhìn chung mức giảm khá khiêm tốn, nhiều loại thông dụng như gạo Tám Thơm, Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài... vẫn đang neo ở mức cao kéo dài, thậm chí có thời điểm bật tăng.
Trong khi đó, thông tin từ các doanh nghiệp, dù có giai đoạn lúc tăng lúc giảm nhưng giá lúa nhìn chung vẫn neo cao trong nhiều tháng nay. Cụ thể, hiện giá lúa được giao dịch tại vùng sản xuất như lúa IR 50404 mua vào đang giữ quanh giá khoảng 7.600 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 giá 8.400 - 8.700 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 giữ giá trên dưới 7.000 đồng/kg...
Doanh nghiệp sản xuất bún, mì... lo lắng
Với giá lúa gạo vẫn neo ở mức cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm cho biết đang gặp nhiều áp lực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty thực phẩm Duy Anh (TP.HCM) cho biết với lượng sản xuất lúc cao điểm lên đến hàng chục tấn hàng mỗi ngày, trong đó chủ yếu là bún, mì, bánh tráng, gạo đang là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất. Tuy nhiên, việc giá gạo tăng và neo cao gần 1 năm qua đã gây khó khăn lớn trong việc cân đối giá thành đầu vào, duy trì giá bán bình ổn để cạnh tranh.
"Nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm, trong khi đối tác lại yêu cầu giá bán cạnh tranh. Việc giá gạo ở mức cao kéo dài buộc đơn vị phải thận trọng trong việc ký kết hợp đồng, trong đó có thể phải tính toán chấp nhận giảm lợi nhuận".
Theo bà Lê Thị Giàu - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (TP.HCM), loại gạo dùng để sản xuất bún, phở, mì, bánh tráng… trước đây có giá chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng gần một năm qua đã lên mức 16.000 - 17.000 đồng, thậm chí 18.000 đồng/kg.
Do đó, dù có nguồn hàng dự trữ nhưng việc giá gạo neo cao kéo dài đã gây áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt vào thời điểm phải tăng lượng sản xuất để đáp ứng đơn hàng cuối năm.
"Phần lớn các sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn thị trường nên quan điểm của đơn vị là cố gắng tìm nguồn nguyên liệu giá tốt nhất có thể để từ đó đưa ra giá bán sản phẩm ổn định", bà Giàu nói.
Tương tự, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM xác nhận nhiều doanh nghiệp sản xuất bún, mì... đang khá đau đầu với giá gạo khi bước vào thời điểm tăng tốc sản xuất để phục vụ mùa cao điểm cuối năm, thời điểm nhu cầu có thể tăng gấp đôi bình thường.
"Những sản phẩm như bún, mì, bánh tráng... thông dụng hiện sử dụng 90-95% nguyên liệu là gạo. Để ứng phó với việc giá gạo tăng, các cơ sở phải tự xoay xở như tiết kiệm tối đa các khâu để giảm chi phí sản xuất, đàm phán với khách về giá bán để giành được đơn hàng. Trường hợp có tăng giá bán cũng là điều bất khả kháng".