Cú sập của Terraform Labs giữa năm 2022 và FTX cuối năm ngoái được xem là điểm đen giữa lúc thị trường tiền số bước vào thời kỳ khắc nghiệt của "mùa đông". Sam Bankman-Fried, nhà đồng sáng lập sàn tiền số FTX đã bị bắt và bị quản thúc tại Mỹ, trong khi nơi ở của Do Kwon, CEO của Terraform Labs, vẫn là ẩn số.
Kwon vẫn rút 10.000 Bitcoin khi đang lẩn tránh
Ngày 17/2, Korea Times đưa tin Kwon đã chuyển tổng cộng hơn 10.000 Bitcoin, tương đương 240 triệu USD, đến địa chỉ ví của một tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ. Số Bitcoin trị giá 100 triệu USD trong đó đã được đổi thành tiền pháp định và bị rút thông qua tài khoản một ngân hàng ở đây.
Thông tin trên được nhắc đến trong hồ sơ vụ kiện của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cáo buộc Kwon và công ty của ông lừa dối và gian lận, khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại hơn 40 tỷ USD sau cú sập của hệ sinh thái Terra - Luna vào tháng 5/22022.
Kwon đang bị cảnh sát quốc tế Interpol truy nã đỏ. CEO 9x được cho là từng ở Hàn Quốc, sau đó tới Singapore trước khi biến mất. Kwon tuyên bố mình không chạy trốn nhưng không tiết lộ nơi ở. Theo Bloomberg, ông được cho là đang ở Serbia. Các công tố viên Hàn Quốc đã phối hợp với chính quyền Serbia bắt giữ Kwon nhưng chưa thành công.
Trên Twitter, Do Kwon thỉnh thoảng vẫn trao đổi với một số người. Bình luận gần nhất là đầu tháng 2, khi ông khẳng định với một tài khoản rằng mình "không ăn cắp tiền và chưa bao giờ rút tiền bí mật".
Sam Bankman-Fried không được chơi game
Khác với Kwon, Bankman-Fried bị bắt và dẫn độ từ Bahamas về Mỹ cuối năm ngoái, chỉ một thời gian ngắn sau khi sàn tiền số FTX sụp đổ. Cựu CEO này chấp nhận số tiền bảo lãnh kỷ lục 250 triệu USD để bị quản thúc tại gia.
Theo Business Insider, bố mẹ Bankman-Fried đã thế chấp căn nhà đang ở để góp vào số tiền kể trên. Khoản bảo lãnh còn được hỗ trợ từ một số nhân vật khác như Hiệu trưởng Trường Luật Stanford Larry Kramer và nhà nghiên cứu khoa học máy tính Andreas Paepcke. Cả hai đã chi lần lượt 500.000 USD và 200.000 USD ở dạng trái phiếu.
Khi bị quản thúc tại gia, Bankman-Fried vẫn được dùng smartphone, laptop, có tài khoản Gmail, cũng như kết nối Internet. Ông cũng được cho là vẫn chơi game yêu thích League of Legends. Tháng 11 năm ngoái, trong phỏng vấn với New York Times, Bankman-Fried nói chơi game giúp "thư giãn một chút" và đầu óc tỉnh táo.
Tuy nhiên, trong thư gửi tòa án ngày 16/2, nhóm luật sư Mỹ đại diện cho các nhà đầu tư muốn tòa kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của Bankman-Fried. Nhóm này lo ngại ông có thể dùng điện thoại hoặc máy tính để "vượt qua sự giám sát và tìm ra kẽ hở trong các điều kiện bảo lãnh hiện có".
Nhóm luật sư cho rằng Bankman-Fried chỉ nên dùng một thiết bị chứa danh sách số điện thoại hoặc địa chỉ Internet cụ thể. Theo CoinTelegraph, nếu tòa làm theo yêu cầu, cựu CEO FTX có thể không được chơi các game yêu thích.
Đầu năm nay, Bankman-Fried thừa nhận trong thời gian bị quản thúc tại nhà, ông chủ yếu làm bạn với game. Ông nói bị bạn bè xa lánh, từ lâu không nói chuyện với bạn gái cũ Caroline Ellison và Gary Wang, đồng sáng lập FTX. "Tôi không trách mọi người. Họ đang cố gắng tránh bị lôi kéo vào vòng xoáy theo cách tốt nhất có thể", ông nói khi đó.
Bankman-Fried đối mặt với 8 tội danh, chủ yếu liên quan đến gian lận và các âm mưu tài chính. Phiên tòa chính thức dự kiến diễn ra vào tháng 10 với mức án cao nhất có thể là tù chung thân. Bản án có thể thay đổi nếu ông hợp tác điều tra hoặc nhận tội.
FTX được Bankman-Fried thành lập năm 2019. Đến tháng 7/2021, sàn có hơn một triệu người dùng, là sàn tiền số lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng giao dịch, theo CoinMarketCap. Trước khi sụp đổ, FTX được định giá 32 tỷ USD và là đối thủ đáng gờm của Binance. Sự lớn mạnh của FTX góp phần giúp Bankman-Fried luôn nằm trong danh sách tỷ phú. Dù vậy, cú sập sàn hồi tháng 11/2022 khiến hầu hết tài sản của ông bốc hơi nhanh chóng.