Mới đây, cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06, Bộ Công an) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) thúc đẩy triển khai Đề án 06, trong đó có nội dung đề cập tới hoạt động định danh số nhà.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương định danh số nhà nhưng cho rằng trong công tác thực hiện cần tích hợp thủ tục hành chính để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân.
“Việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được tài sản, tạo thuận lợi trong quản lý, truy thu thuế cũng như để những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng được chính xác. Trong quá trình thực hiện, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức; cần tích hợp để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian…" - đại biểu Trương Xuân Cừ nhận định.
Trong khi đó, nhận định về động thái xúc tiến hợp tác của Bộ Công an và VNPOST trong đề án 06 và định danh số nhà, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản chưa minh bạch do hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia chưa được xây dựng đầy đủ. Dữ liệu vẫn chưa được liên thông và chia sẻ một cách hiệu quả giữa các ngành và địa phương. Do đó, để thực hiện được thì cần phải hoàn thiện Đề án 06 mà Bộ Công an đang làm.
Ông Châu cho rằng, việc ký kết hợp tác giữa Bộ Công an và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chỉ là bước khởi đầu trong việc tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data) toàn diện . Sau này, dự kiến sẽ có thêm các hợp tác tương tự với các bộ ngành khác để quản lý tổng thể. Điều này sẽ dẫn đến việc ghi nhận và theo dõi mọi giao dịch liên quan đến bất động sản của người dân và nhà nước, từ đó đảm bảo tính minh bạch và quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, Đề án 06 hướng đến một xã hội nhà nước quản trị chặt chẽ, minh bạch, đòi hỏi sự trung thực trong tất cả các khía cạnh.
Định danh số nhà để minh bạch thị trường bất động sản
Cục C06 cho biết, Bộ Công an đang tham mưu các giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 13 về lập lại trật tự và khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án trong ngành giao thông vận tải.
Theo đó, phía bưu điện đã có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Do đó, Cục C06 sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà.
Với kỳ vọng của Bộ Công an, kế hoạch này còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước nhờ việc tận dụng những dữ liệu đã có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh – Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, muốn xác định được bất động sản thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các bất động sản đó. Mỗi chung cư có hàng nghìn hộ dân, trong đó mỗi gia đình sống ở căn hộ riêng và hoàn toàn độc lập.
Trong trường hợp, nếu chỉ ghi địa chỉ của tòa chung cư thì đó mới chỉ là dữ liệu chung, chưa có thông tin của từng hộ dân cụ thể cư trú bên trong. Do vậy, việc định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ).
Từ đó tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, giúp những đơn vị trung gian khác như bưu điện, chuyển phát nhanh... khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất.
Đối với quy trình định danh số nhà, hiện Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất.
Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.