Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Các bác sĩ khuyến cáo nên ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm.
Thế nhưng, với guồng quay xô bồ của xã hội hiện đại, hầu hết mọi người khó có được một giấc ngủ đầy đủ về đêm. Theo thống kê của trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người thiếu ngủ. Trong một cuộc khảo sát của CareerBuilder với 3.200 nhân viên, 1/5 cho biết họ ngủ trung bình từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm.
Với lịch làm việc 120 tiếng/tuần và chỉ ngủ 6 tiếng/ngày, tỷ phú Elon Musk phải bật khóc trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, thừa nhận rằng sức khỏe của ông đang đi xuống.
Những hậu quả lâu dài về sức khỏe sẽ vượt xa những lý do làm bạn ngủ ít đi. Matthew Walker, một nhà thần kinh học và là một chuyên gia về giấc ngủ, cũng từng nói "Thời gian ngủ của bạn càng ngắn, cuộc sống của bạn càng bị rút ngắn đi".
Do đó, bạn không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo thiếu ngủ. Chúng có thể bao gồm mệt mỏi, cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng, khó tập trung, suy giảm trí nhớ và giảm ham muốn tình dục. Vì vậy, nếu vừa khỏi Covid-19, rồi cảm thấy khó tập trung, suy giảm trí nhớ, bạn hãy để ý xem mình có ngủ giảm hay không để có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt.
Theo tiến sĩ Megan Rees, Trưởng khoa Giấc ngủ của Bệnh viện Hoàng gia Melbourne (Úc), có ít nhất 1/3 đến một nửa số bệnh nhân Covid-19 cho biết giấc ngủ của họ kém đi so với trước khi nhiễm bệnh".
Sau đây là những điều có thể xảy ra cho cơ thể khi bạn ngủ không đủ giấc.
1. Nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn
Theo nghiên cứu năm 2021 trên những người làm việc theo ca, thiếu ngủ và gián đoạn lịch trình giấc ngủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đáng chú ý nhất là ung thư đại tràng và ung thư vú.
2. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Tiến sĩ Gupta, Trưởng khoa Thần kinh của Viện Nghiên cứu Fortis Memorial, Gurugram (Ấn Độ) cho biết: "Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hoocmon, bao gồm sản xuất hoocmon tăng trưởng và nội tiết tố nam testosterone. Điều này cũng khiến cơ thể tăng tiết các hoocmon căng thẳng, như norepinephrine và cortisol, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng sinh sản".
3. Khó chịu và cáu kỉnh
Chỉ vài giờ mất ngủ là tâm trạng của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Có thể chính bạn cũng không nhận ra, nhưng sự thật là bạn sẽ dễ cáu kỉnh với mọi thứ xung quanh hơn nếu đêm hôm trước không ngủ đủ. Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng nhận thức của mọi người bị suy giảm khi thiếu ngủ, dẫn đến việc họ mắc lỗi nhiều. Và cũng vì thế mà họ dễ cáu gắt với chính bản thân mình.
4. Gây ra ảo giác (cực kỳ nguy hiểm khi tham gia giao thông)
Đừng bao giờ lái xe khi buồn ngủ, ngay cả khi bạn cố gắng giữ mắt mình còn mở. Các nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ thường xuất hiện ảo giác đường hầm (nhìn thấy mình đi vào một đường hầm tối với ánh sáng le lói ở cuối con đường), nhìn đôi (thấy mọi thứ tách thành 2 như người say rượu) và mờ mắt.
Những ảo giác này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn đang lái xe.
5. Giảm khả năng phục hồi da và gây lão hóa da
Theo nghiên cứu từ Đại học Wisconsin (Mỹ), thiếu ngủ và các bệnh mạn tính về da có liên hệ mật thiết. Khi tiếp xúc với mặt trời hoặc các nhân tố có hại khác, da không thể phục hồi tốt và cho thấy nhiều dấu hiệu bị lão hóa hơn.
6. Tăng nguy cơ tử vong
Bất ngờ nhất là mối liên quan giữa ngủ không đủ giấc và tỷ lệ tử vong. Ngủ ít hơn 5 tiếng một đêm làm tăng 15% nguy cơ tử vong, gây giảm sức đề kháng của cơ thể, gia tăng các bệnh tật. Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu người Anh để kiểm tra sự ảnh hưởng của giấc ngủ lên tỷ lệ tử vong của 10.000 công chức tại Anh trong suốt 2 thập kỷ cho thấy: những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống vào ban đêm sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp đôi những người khác. Nguyên nhân tử vong có thể là vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là do các bệnh tim mạch.
Mẹo cung cấp năng lượng cho một ngày thiếu ngủ ...
Có một thông tin tốt lành là hầu hết những tác động tiêu cực của thiếu ngủ sẽ triệt tiêu khi bạn ngủ đủ giấc trở lại.
- Ra ngoài đứng dưới nắng: Trước khi bắt đầu ngày làm việc, hãy ra nắng. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên khiến đồng hồ sinh học bên trong của bạn luôn tỉnh táo.
- Di chuyển xung quanh: Khi ngồi vào bàn làm những công việc lặp đi lặp lại, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Lúc này, hãy nghỉ giải lao một chút, đứng dậy và duỗi thẳng chân, tay.
- Ngủ trưa: Tiến sĩ Duffy cho biết một giấc ngủ ngắn 20 phút đem lại lợi ích vô hạn cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngủ trưa quá lâu lại khiến cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu có hại cho sức khỏe.
- Ngủ đủ và đêm sau: Mặc dù không có phép thuật nào để lấy lại những giờ đã mất đó, nhưng cách tốt nhất để phục hồi chứng mất ngủ là ngủ. Tiến sĩ Duffy chia sẻ: "Bạn phải ưu tiên giấc ngủ và dành cho mình thời gian để ngủ đủ giấc mỗi đêm".
Có một thông tin tốt lành là hầu hết những tác động tiêu cực của thiếu ngủ sẽ triệt tiêu khi bạn ngủ đủ giấc trở lại. Hãy tham khảo một số gợi ý sau cho việc tạo thói quen ngủ tốt bao gồm:
- Đi ngủ ngay khi mệt mỏi
- Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định, phù hợp mỗi ngày trong tuần
- Tránh bữa ăn 2-3 giờ trước khi đi ngủ
- Nếu không thể ngủ được sau 20 phút cố gắng, hãy đi sang phòng khác và đọc sách cho đến khi cảm thấy buồn ngủ, sau đó quay trở lại giường.
- Duy trì tập thể dục thường xuyên hàng ngày.
- Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và nhiệt độ thích hợp.
- Tắt các thiết bị điện tử khi bạn đi ngủ. Một nghiên cứu mới cho thấy những người ham mê điện thoại thông minh, thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội bị rối loạn giấc ngủ cao hơn, cũng thiếu ngủ nhiều hơn.
Theo Huffpost và Businessinsider/ Ảnh: Internet