Tài chính

Điều gì làm nên kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay của HDBank?

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2022, tín dụng hệ thống đã tăng 14,5%, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (13,6%).

Theo nhận định của VNDirect, trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng, VPBank, MB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Được biết, trong năm 2022, trong khi tín dụng của toàn ngành tăng 14,5%, HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho “room” tăng trưởng tín dụng tới gần 26%. Theo VNDirect, HDBank là một trong số ít những ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm nay nhờ vào hệ số CAR cao (15,3%), LDR thấp (71,4%), cơ cấu tín dụng khá lành mạnh (tỷ trọng TPDN thấp) và có tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng sẽ là một lợi thế lớn của ngân hàng để tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt trong năm tới.

Nhờ tăng trưởng tín dụng cao và thu nhập ngoài lãi đạt kết quả ấn tượng, HDBank được dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2022 tốt nhất từ trước đến nay, tổng tài sản của ngân hàng vượt mốc 400.000 tỷ đồng, đồng thời lần đầu tiên gia nhập “câu lạc bộ” lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HDBank đã đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2% và thuộc những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Nợ xấu riêng lẻ thấp chỉ 1,1%.

Bên cạnh lợi thế room tăng trưởng tín dụng, HDBank cũng được kỳ vọng có nhiều thuận lợi để đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023. Hiện HDBank là một trong số ít ngân hàng chưa ký thoả thuận hợp tác độc quyền kinh doanh bảo hiểm. Dự kiến trong năm 2023, ngân hàng sẽ đạt được thoả thuận với một công ty bảo hiểm, từ đó giúp HDBank ghi nhận khoản phí trả trước khổng lồ và nâng cao thu nhập từ phí trong thời gian tới.

VNDirect nhận định tăng trưởng lợi nhuận ròng của HDBank năm 2023 tiếp tục cao hơn dự phóng toàn ngành (10,4%) đạt lần lượt 16-20% so cùng kỳ trong năm 2023-2024 (tăng trưởng kép giai đoạn 2019-2021 là 30%).

Lãnh đạo HDBank cho biết, trong giai đoạn 5 năm sắp tới, ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm