Bộ Công Thương vừa có báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giải trình, tiếp thu ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).
Mở rộng đối tượng mua bán trực tiếp
Đối với yêu cầu mở rộng phạm vi của dự thảo nghị định đối với nguồn điện sinh khối và điện rác, Bộ Công Thương cho hay đã bổ sung các nguồn này tham gia vào cơ chế DPPA.
Cụ thể, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Đối với nguồn điện từ rác chưa được đưa vào cơ chế này, Bộ Công Thương cho hay hiện chưa có quy định rõ ràng về việc điện từ rác được coi là điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Vì vậy, dự thảo nghị định quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo gồm cả “các dạng năng lượng tái tạo khác”.
Trong trường hợp nguồn điện từ rác được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận là dạng năng lượng tái tạo, thì sẽ là đối tượng tham gia cơ chế DPPA theo quy định.
Tại dự thảo mới nhất được Bộ Công Thương trình Chính phủ vẫn tiếp tục đề xuất hai hình thức mua bán điện trực tiếp. Bao gồm mua bán qua đường dây riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện qua đường dây riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Với hình thức này, sẽ không giới hạn công suất với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, với thủ tục hiện đơn giản để khuyến khích việc tham gia.
Hình thức thứ hai là mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa hai bên đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền.
Hai hình thức mua bán trực tiếp
Khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khách hàng này phải có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 500.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất), với khách hàng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng, sẽ tính theo sản lượng đăng ký từ 500.000 kWh/tháng trở lên.
Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề này ngày 7-6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ hơn việc mở rộng phạm vi của dự thảo với các nguồn điện sinh khối, điện rác chứ không chỉ là điện gió và mặt trời.
Với các hình thức mua bán điện, ông Hà cho rằng cần khuyến khích việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, và cần có quy định quản lý hình thức này để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả, tránh các hệ lụy, như cháy nổ, ảnh hưởng cảnh quan…
Cần xây dựng và công bố công khai về các chi phí (đảm bảo tính đúng, tính đủ) khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc lựa chọn.
Như vậy, với dự thảo mới được Bộ Công Thương đưa ra, các nguồn điện mặt trời mái nhà sẽ được tham gia mua bán trên thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng điện là những khách hàng lớn.
Việc bổ sung đối tượng này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi dự thảo cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mới quy định không cho mua bán điện và chỉ dừng lại việc khuyến khích các nguồn điện mặt trời tự dùng.