Ngày 20/9, tại TP HCM, diễn đàn "Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022" lần đầu tiên đã chính thức diễn ra với chủ đề “sản xuất thông minh - Smart Manufacturing".
Diễn đàn do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM chủ trì, giao cho Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTPIC) Công ty Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP tổ chức, với sự tham gia của Ban Tổ chức Diễn dàn CEO Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) và sự đồng hành CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình (HBIC) thuộc Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Diễn đàn Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022" mang đến những kiến giải quan trọng về “sản xuất thông minh” cho ngành công nghiệp Việt Nam trước bối cảnh mới của nền kinh tế hậu đại dịch.
"Thông điệp của Thủ tướng Chính Phủ là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với tích cực chủ động hội nhập và thực tế là chúng ta không thể có nền kinh tế độc lập tự chủ nếu không có các tập đoàn công nghiệp mạnh.
Các nhà kinh tế học nghiên cứu rằng để có nền kinh tế tự chủ, khu vực công nghiệp cần đóng góp 30% GDP và chúng ta xác định mục tiêu là 40%, trong đó chế biến chế tạo chiếm khoảng 30% và giá trị giá tăng chúng ta hướng đến năm 2030 là hơn 2.000 USD", PSG. TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM mở đầu diễn đàn.
Theo ông Thi, trong bối cảnh năng lực sản xuất, năng suất lao động của đất nước đang bị tụt hậu, thiếu sự cạnh tranh, diễn đàn Cách tân Công nghiệp được tổ chức để tạo ra một nơi cho các chuyên gia, người kinh doanh, nhà sản xuất cùng ngồi lại để bàn thảo các ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề xoay quanh đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp, tạo ra môi trường sản xuất không biên giới giữa các ngành công nghiệp.
"Muốn là người đổi mới sáng tạo, chúng ta phải đi ngược dòng, không ngại những ý kiến trái chiều. Với chủ đề sản xuất thông minh, diễn đàn sẽ tập trung vào các xu hướng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp và tác động của nó lên các ngành kinh doanh. Diễn đàn cũng sẽ tập hợp các thông tin, sự giao thoa giữa các ngành công nghiệp", ông Thi nói.
Tại diễn đàn lần này, những giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp tại Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phi vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp là vấn đề được mang ra bàn thảo.
Cách tân công nghiệp, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh là điều luôn được các doanh nghiệp chú trong trong nhiều năm qua và đại dịch COVID-19 được xem như điểm nổ, đưa ứng dụng công nghiệp, chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và "cách tân", "chuyển đổi" được diễn đàn Cách tân Công nghiệp đánh giá là yếu tố tất yếu của thời đại.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch HĐQT và CEO IBP, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM cho biết: "Việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ mới có một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tín dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiền không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường. Những bài học thành công này sẽ được chúng tôi quy tụ tại Industry Innovation Forum 2022".