Ngày 16-5, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 25.152 đồng/USD, bán ra 25.452 đồng/USD, giảm khá mạnh 30 đồng so với hôm qua.
Eximbank niêm yết giá
Giá USD ngân hàng đi xuống trong bối cảnh tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 29 đồng/USD xuống 24.240 đồng/USD.
Dù vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay tỉ giá vẫn tăng khá cao và sức ép tỉ giá vẫn còn không nhỏ. Bản tin thị trường vừa cập nhật của Dragon Capital cho thấy trong tháng 4, các đồng tiền của châu Á có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9-2023 sau tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc giảm lãi suất và sự ngược chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
"Tình trạng buôn lậu vàng và đầu tư tiền mã hóa là những yếu tố trong nước gây áp lực lên tỉ giá, bên cạnh yếu tố khác như mùa cao điểm trả cổ tức, chênh lệch âm lãi suất VNĐ/USD và hoạt động đầu cơ USD…
Những yếu tố trên đã dẫn đến việc VNĐ mất giá 2,2% trong tháng 4 và 4,4% tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động can thiệp bằng cách thu hẹp chênh lệch lãi suất và triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng" - TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital, phân tích.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VNĐ trên thị trường liên ngân hàng qua kênh phát hành tín phiếu; bán ngoại tệ giao ngay; đẩy nền lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng lên mức xấp xỉ với lãi suất USD… đã hỗ trợ tỉ giá ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng gần 5%.
"Áp lực lên tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt nhưng không quá căng thẳng trong thời gian tới, khi chênh lệch lãi suất đã được giảm thiểu và sẽ kích thích doanh nghiệp FDI, xuất khẩu bán ra nguồn USD" - chuyên gia của ACBS nói.
Trên thị trường tự do, giá USD được một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá mua vào 25.690 đồng/USD, bán ra 25.770 đồng/USD, giảm khoảng 40 đồng so với hôm qua.