Còn nhớ, cùng kì năm ngoái, rơi vào khoảng tháng 3/2021, đất nền bắt đầu lên cơn sốt tại các địa phương trên cả nước. Cũng đúng thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá đất thổ cư và đất dự án liên tục tăng cao, đạt ngưỡng 30-50% chỉ trong vòng 4-5 tháng. Thị trường đất nền chứng kiến cảnh tượng người người, nhà nhà đi mua đất. Đặc biệt, việc mua bán chủ yếu diễn ra ở các nhà đầu tư. Đây cũng chính là thời điểm "nhạy cảm" của thị trường BĐS.
Năm nay, mặc dù chưa khởi phát cơn sốt nhưng những dấu hiệu nhà đầu tư đi xem đất, mua bán, lướt sóng; môi giới vào cuộc sôi nổi ngay sau Tết… đang khiến thị trường đất nền rục rịch. Theo đó, những nhận định về cơn sốt có thể hình thành trong quý đầu năm 2022 rất có thể là sự thật.
Ghi nhận cho thấy, các khu vực xa xôi của Đồng Nai như Cẩm Mỹ, Định Quán, Xuân Lộc… những ngày qua rộn ràng hoạt động đầu tư mua bán, giá đất biến động tăng nhanh. Nhiều nhà đầu tư (trong đó có một lực lượng môi giới) tham gia "lướt sóng", khiến các khu vực này âm thầm tăng giá. Những pha "lướt cọc" sang tay kiếm tiền trăm triệu đang diễn ra tại các khu vực này.
Trong khi đó, cơn sốt ngầm đầu năm cũng diễn biến tương tự tại các khu vực có thông tin về quy hoạch, hạ tầng tốt như Bình Thuận, Đà Nẵng, Bình Định….Cho dù chưa tạo cơn sốt rõ nét nhưng việc các nhà đầu tư đang có những động thái "đón sóng", và mặt bằng giá tăng lên nghĩa là dễ hình thành cơn sốt trong một vài tháng tới.
Phòng công chứng tại các tỉnh lân cận Sài Gòn rộn ràng ngay đầu năm mới
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, đầu năm 2022 thị trường BĐS có thể sốt đất cục bộ ở một vài địa phương. Đây cũng là diễn biến dễ thấy vào thời điểm đầu năm, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đã cơ bản kiểm soát, vắc -xin phủ độ rộng. Lực lượng F0 theo ông Lâm sẽ tăng cường mạnh trong năm 2022, khiến BĐS sôi nổi, tuy nhiên nói lực lượng này tạo sóng, tạo sốt, khuấy đảo thị trường BĐS không hoàn toàn đúng, bởi BĐS là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức bên cạnh câu chuyện tài chính.
Tuy vậy, đó điều dễ nhận thấy là thị trường BĐS rất nhạy cảm với thông tin. Chỉ cần một thông tin về dự án mới xuất hiện, hạ tầng, quy hoạch thì lập tức có những biến động "ăn theo". Chính sự biến động này cũng là căn nguyên dẫn đến việc thị trường rất dễ bất ổn, khó lường trước được. Do đó, theo các chuyên gia trong ngành, thị trường nóng sốt rồi cũng có thể "xẹp" bất cứ lúc nào nếu tình trạng đầu cơ, đầu tư liên tục diễn ra.
Theo DKRA Vietnam, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Thực tế, ngay sau khi Tp.HCM nới giãn cách (tháng 10/2021), nhà đầu tư đã tăng nhịp đi xem nhà đất nhiều hơn, để nghe ngóng xem xét BĐS, nhưng giao dịch chưa bùng nổ sau thời điểm giãn cách. Giao dịch diễn ra ở các sản phẩm giá tốt, pháp lý ổn và tiềm năng tăng giá khu vực còn lớn. Sau Tết, khi tâm lý NĐT đã ổn định trước tình hình dịch bệnh, thị trường BĐS bắt đầu tăng nhịp cả về giao dịch lẫn giá bán. Nhiều nhóm NĐT tham gia thị trường đã khiến "sóng" âm thầm hình thành ở các địa phương. Họ đa số là những NĐT có tiềm lực tài chính tốt, liên tục tìm kiếm sản phẩm để mua vào – bán ra.
Môi giới BĐS tại khu vực Tp.HCM cũng bắt đầu dồn về tỉnh để "đón sóng" cơn sốt. Trong số này, có một phần vừa làm môi giới, vừa đầu tư lướt sóng. Do dòng vốn mỏng nên nhóm NĐT này chỉ lướt cọc, hưởng chênh tuỳ vào sản phẩm (số tiền tính bằng chục triệu hoặc một vài trăm triệu). Theo một môi giới BĐS lâu năm tại Tp.HCM, do Tp.HCM hiện nguồn hàng đất nền khan hiếm và ít người mua do giá thứ cấp tăng môi giới này đi tìm cơ hội tại thị trường tỉnh. Ngay từ đầu năm, môi giới này cùng nhóm anh em đã dạt về thị trường tỉnh lân cận để hoạt động.
Thực tế, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, giá bất động sản Tp.HCM và tỉnh thành vệ tinh liên tục thiếp lập mặt bằng mới. Việc giá đất liên tục tăng cao đã buộc những nhà đầu tư vốn mỏng phải tìm cơ hội đầu tư tại những thị trường xa hơn.