Theo tài liệu hội thảo FiinTrade Talk 5 – "Vén màn mây mù", FiinGroup chỉ ra nhiều ngành có tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước COVID-19. Cụ thể so sánh với tăng trưởng quý I vừa qua với quý I/2019 thì chỉ có ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng cao hơn (9,75% so với mức tăng 7,71% của quý I/2019), còn lại đa phần đều tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước dịch.
Công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng 7,79% trong quý I/2022, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng 12,35% của quý I/2019. Một số nhóm ngành khác có mức tăng trưởng khá thấp là xây dựng, thủy sản, bất động sản. Thấp nhất phải kể đến dịch vụ lưu trú và ăn uống và hoạt động dịch vụ khác, với mức tăng lần lượt là -1,79% và -3,75%. Ngành khai khoáng giai đoạn trước dịch tăng trưởng âm thì quý vừa rồi đã vươn lên đạt mức tăng 1,23%. Ngoài ra nhóm ngành nông nghiệp cũng ghi nhận tăng nhẹ 2,35% trong quý I/2022.
Dù nhiều nhóm ngành có mức tăng trưởng chưa bằng so với giai đoạn trước dịch, đa phần các tổ chức đều nhận định nền kinh tế đang dần hồi phục.
Trong báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng kinh tế Việt Nam đang quay trở lại quỹ đạo hoạt động trước COVID-19 biểu hiện ở việc lãi suất liên ngân hàng trung bình đạt 1,89% trong tháng 4 tiếp tục suy giảm về mức bình ổn sau dịp tăng mạnh đợt Tết. Tính tới 31/3, tín dụng tăng 5,04%. BSC cho rằng mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng tín dụng đang hồi phục trở lại.
Các chuyên gia của Chứng khoán SSI (SSI Research) trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 5 cũng nhận định đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ở hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát tương đối tốt.
Mặc dù áp lực lạm phát bắt đầu xuất hiện, đi cùng với những rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine kéo dài, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID hay Fed tiếp tục thực hiện tăng lãi suất, SSI cho rằng các yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng vẫn được duy trì và trong ngắn hạn sẽ không xuất hiện rủi ro đối với những thay đổi trong chính sách, cả về tiền tệ và tài khóa.