Ảnh minh họa
Nguyễn Phong Lâm (sinh năm 1998) quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp đại học ở TP.HCM chuyên ngành Kinh doanh quốc tế - Marketing. Sau khi tốt nghiệp, Lâm từng làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM, với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Một năm sau, anh nghỉ việc và chuyển ra Thủ đô Hà Nội sinh sống và làm việc cho một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, Lâm nhận 18 triệu đồng mỗi tháng từ công việc này.
Đến nay sau 3 năm ra trường, Phong Lâm đã có cho mình một khoản tài chính khá ổn định, mỗi tháng ngoài đi làm ở công ty, Lâm còn đi dạy thêm ở các trung tâm nghệ thuật nhờ vào khả năng chơi đàn guitar giỏi. Mỗi ca học 1 giờ đồng hồ, mỗi tối anh dạy khoảng 3 ca.
Lâm cho biết, công việc dạy học ở các Trung tâm nghệ thuật cũng mang về cho anh mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, nên tổng mức thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng.
“Do không có nhiều thời gian nên việc tiêu tiền cũng rất ít, thi thoảng tôi lại mua sắm các thiết bị công nghệ để phục vụ nhu cầu sử dụng thường xuyên như điện thoại di động, loa bluetooth, sac pin dự phòng, tai nghe... Hầu như còn lại tôi không có nhu cầu mua sắm gì nhiều”, Lâm chia sẻ.
Vậy nên, mỗi tháng Lâm dư khoảng hơn 20 triệu đồng trong tài khoản. Tính ra mỗi năm, Lâm tiết kiệm được khoảng gần 250 triệu đồng, nhưng cứ cuối năm anh lại rút ra một ít để tiêu tết và biếu bố mẹ ở quê.
Đến nay sau 3 đi làm, tài khoản tiết kiệm của Phong Lâm đang có 600 triệu đồng, đây là một con số mà nhiều bạn trẻ mơ ước sở hữu, không nhiều người làm được như chàng trai này.
Lâm cho biết, trong 3 năm qua cũng không hề sử dụng số tiền này để đầu tư kinh doanh hay gửi tiết kiệm, nhưng sắp tới sẽ dùng số tiền này để gửi tiết kiệm, hi vọng công việc trong những năm tiếp theo sẽ thuận lợi hơn để trong khoảng 2 năm tới sẽ đầu tư mua nhà hoặc đất ở Hà Nội.
Giới trẻ hiện nay không phải ai cũng có thể làm việc chăm chỉ như Nguyễn Phong Lâm, với công việc xuyên suốt cho đến tận hơn 10 giờ tối, ngày nào cũng như ngày nào.
Trao đổi với chúng tôi, Phong Lâm chia sẻ, anh luôn nghĩ đến yếu tố an toàn trong việc vận hành tài chính cá nhân, không để xảy ra tình trạng chi tiêu thiếu hợp lý cũng như quá sa đà vào mua sắm đồ dùng cá nhân.
Theo Lâm, cách để tiết kiệm được như vậy là nhờ vào việc đi làm thêm kín thời gian kể cả các buổi tối trong tuần, dù vất vả và rất mệt nhưng cũng cho mình một khoản thu nhập thụ động nhất định. Với con số này cũng giúp cân bằng các hoạt động tài chính cá nhân tốt hơn.
Mỗi buổi tối sau giờ làm ở công ty là Nguyễn Phong Lâm lại đến các trung tậm nghệ thuật để dạy guitar cho các học viên
Với mức thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi tháng, Phong Lâm không chi tiêu quá nhiều, tiền thuê nhà mỗi tháng 3 triệu đồng, tiền ăn và các chi phí sinh hoạt hết khoảng 4 triệu đồng, số còn lại hầu như không đụng đến.
Theo dự định của Lâm, khoảng 2 năm nữa khi số tiền dư trên 1 tỷ đồng, sẽ sử dụng để đầu tư mua nhà chung cư, hoặc nhà ở tại Hà Nội và ổn định cuộc sống gia đình.
“Tôi nghĩ lương bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu mỗi tháng. Tôi vẫn sẽ tiết kiệm tiếp do cảm thấy có tiền tích cóp làm mình thoải mái hơn, từ đó tạo được động lực lao động hơn là làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”, Lâm nói thêm.