Bài tâm sự của một tác giả đăng tải trên trên Toutiao (MXH Trung Quốc) thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
***
Khi các dịp lễ, kỷ niệm nhiều năm ra trường, các nhóm chat lớp cũ cũng bắt đầu rôm rả với các buổi họp lớp. Bạn tôi, anh Lâm, kể cho tôi nghe về buổi họp lớp đại học mà anh vừa tham gia vào tuần trước, khiến anh cảm thấy khó chịu. Lớp trưởng lớp cũ của anh đã chọn một nhà hàng cao cấp và còn yêu cầu mọi người phải ăn mặc lịch sự.
Khi đến nơi, anh phát hiện chỗ ngồi của từng người đã được sắp xếp sẵn. Có người hỏi lớp trưởng: "Không thể ngồi tùy ý sao? Anh dựa vào tiêu chí gì để phân chia như vậy?"
Lớp trưởng khinh khỉnh, trả lời: "Tất nhiên là dựa theo thu nhập rồi, cậu chỉ là nhân viên lễ tân, lương cùng lắm cũng chỉ 4.000 NDT/tháng (khoảng 14 triệu đồng) thôi, ngồi bàn kia ăn là được rồi. Còn cái bàn lớn kia dĩ nhiên là dành cho các bạn nhiều tiền, để mọi người còn có thể giao lưu”.
Họp lớp mà cũng có sự phân biệt thu nhập. Dù anh Lâm được xếp ngồi vào bàn của những người có thu nhập 200.000 NDT/năm (khoảng 697 triệu đồng), tương đương gần 17.000 NDT/tháng (khoảng 59 triệu đồng), nhưng nhìn những người khoe khoang mình tài giỏi và không thèm nhìn ai bằng ánh mắt tôn trọng, anh Lâm cảm thấy rất khó chịu.
Tại bàn đó, một người bạn cũ kéo anh Lâm lại nói: "Nghe nói dạo này cậu phát triển tốt lắm, quen biết nhiều người trong ngành. Mình đang có một dự án, cậu giới thiệu vài người cho mình làm quen đi”.
Anh Lâm không khách sáo, nói thẳng: "Xin lỗi, vì sao tôi phải giới thiệu mối quan hệ của mình cho cậu, vừa rồi cậu cũng khoe khoang là quan hệ rộng mà?"
Bữa tiệc trong ngày họp lớp đó, ai nấy đều có tâm tư riêng. Khi kết thúc bữa tiệc, hỏi ai đứng ra thanh toán thì không ai ở bàn của những người có thu nhập 200.000 NDT (khoảng 697 triệu đồng) chủ động đứng lên thanh toán. Ngược lại một người bạn ở bàn có thu nhập 4.000 NDT/tháng (khoảng 14 triệu đồng) đã chủ động đứng dậy thanh toán và gửi hóa đơn vào nhóm để cùng chia đều tiền.
Cuối cùng, anh Lâm cùng vài người bạn thân từ thời đại học đi ăn đồ nướng, mới cảm nhận được niềm vui của họp lớp. Anh Lâm nói: "Sau này không bao giờ tham gia những buổi họp lớp kiểu này nữa. Thà gọi vài người bạn thân thiết ra ăn uống, trò chuyện, không vướng bận các mối quan hệ lợi ích phức tạp còn vui hơn”.
Lời của anh khiến tôi nhớ đến một chủ đề "Tại sao ngày càng có nhiều người không muốn tham gia họp lớp?" Thực tế thì lý do rất thực tế.
Khi nói về lý do không tham dự họp lớp, nhiều người đã bày tỏ suy nghĩ của mình.
Một người đưa ra quan điểm của mình: “Bạn thực sự muốn tham gia một buổi họp mặt mà dù đứng giữa đám đông nhưng lại cảm thấy cô đơn không? Bạn thực sự muốn gác lại những việc quan trọng hơn để tham gia một buổi họp mặt chỉ toàn những lời khoe khoang, không có ý nghĩa không? Trừ khi bạn luôn là người được chú ý, nếu không, có thực sự đáng để tham gia một buổi họp mặt mà chẳng ai quan tâm đến bạn không? Thôi thì đừng tham gia nữa”.
Giống như buổi họp lớp của anh Lâm, nhóm bạn có mức lương thấp hơn không được quan tâm, chú ý nhưng đến lúc thanh toán, người đứng ra làm việc này vẫn là họ.
Một người khác bày tỏ: “Những người cần liên lạc thì đã liên lạc rồi, những người xa cách thì dù có họp lớp cũng không thay đổi được. Vậy nên ý nghĩa của buổi họp mặt như vậy chỉ là sự kết nối tạm thời, tẻ nhạt mà thôi".
Trong tưởng tượng, buổi họp lớp nên là dịp để gắn kết tình cảm, nhớ lại thanh xuân, ngồi cùng bạn cũ trò chuyện. Thực tế lại không phải như vậy. Không biết từ khi nào, họp lớp chỉ còn lại sự so sánh, khoe khoang, tâng bốc và nịnh nọt. Có bao nhiêu người, trước buổi họp lớp thì tràn đầy mong đợi, háo hức tham gia; nhưng khi kết thúc, lại cảm thấy thất vọng, để rồi không bao giờ muốn tham gia thêm lần nào nữa.
Tuy nhiên, chúng ta không đừng vội vàng phê phán tất cả các buổi họp lớp, có những buổi họp lớp vẫn rất cần thiết. Chúng ta nên có một tiêu chuẩn để đo lường, như nguyên tắc "2 nên đi và 2 không nên đi" khi tham gia họp lớp, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui thực sự của những buổi họp mặt.
"2 KHÔNG NÊN ĐI":
Không tham gia những buổi họp lớp quá xa hoa
Họp lớp vốn dĩ là để tìm một nơi vui vẻ, tổ chức quá trang trọng lại trở thành gánh nặng. Mỗi người có thu nhập khác nhau, không cần phải tham gia một buổi họp lớp mà phải tiêu tốn cả tháng lương.
Những buổi họp lớp quá xa hoa, đến những nơi đắt tiền, sẽ thường trở thành nơi để người giàu khoe khoang, bạn không nên bỏ tiền ra tham gia những buổi gặp như vậy.
Không đi những buổi họp lớp mang tính lợi ích rõ ràng
Có những buổi họp lớp chỉ mang danh nghĩa để gặp gỡ nhưng thực chất là nhờ vả. Nếu bạn phát hiện có ai đó vừa thăng chức hoặc trở thành công chức, rồi có người khác đứng ra tổ chức buổi họp lớp, thì đó là buổi họp mặt vì lợi ích. Trong trường hợp này, tốt nhất đừng tham gia vì mỗi người đều có suy tính riêng.
"2 NÊN ĐI":
Nên đi những buổi họp mặt với nhóm bạn thân
Sau khi tốt nghiệp, nếu nhóm bạn thân vẫn giữ liên lạc tốt, bạn có thể tổ chức buổi họp mặt với nhóm bạn này. Bạn nên tham gia những cuộc gặp với họ vì tình bạn tốt cần được duy trì.
Vài người bạn thân gặp nhau thường xuyên, ăn uống, trò chuyện nhỏ, củng cố thêm tình bạn, mang lại niềm vui cho nhau.
Nên tham gia các buổi họp lớp do trường tổ chức
Nếu trường học tổ chức các buổi họp lớp lớn, bạn nên cố gắng tham gia.Những buổi họp lớp này thường được tổ chức đơn giản và chân thành, mọi người đều mặc áo đồng phục kỷ niệm, rất xúc động. Bạn đến nhìn lại sự thay đổi của ngôi trường cũ; thăm thầy cô, gặp lại bạn học cũ; dạo quanh sân trường, ký túc xá, hồi tưởng lại thời thanh xuân.
Còn quan điểm của bạn thì sao, bạn có nghĩ họp lớp là cần thiết không?
Theo Toutiao