Trả lời:
Bệnh sởi rất dễ lây khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện làm phát tán virus ra không khí. Một người mắc có thể lây cho 12-18 người khi tiếp xúc gần, đặc biệt là những ai chưa có miễn dịch từ tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi. Người lành cũng có thể lây bệnh khi chạm tay vào các vật dụng chứa virus như bàn tay, mặt bàn, ghế, môi trường sinh hoạt có chứa virus... sau đó đưa tay lên mắt mũi miệng.
Thang máy có không gian kín, chật hẹp và nhiều người cùng sử dụng. Nếu một người nhiễm sởi có thể lây bệnh cho những người khác. Trường hợp này, nếu bạn chưa mắc bệnh và chưa tiêm vaccine phòng sởi, nguy cơ lây bệnh là rất cao.

Thang máy có không gian kín, hẹp và nhiều người sử dụng nên dễ lây nhiễm bệnh sởi. Ảnh: Vecteezy
Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 10-14 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ không có biểu hiện bệnh. Vì vậy, bạn nên theo dõi sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, đau họng, mắt đỏ, miệng nổi đốm Koplik... cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp bệnh nhanh khỏi.
Về tiêm vaccine, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine sởi vẫn có giá trị bảo vệ với người đã tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Trường hợp chưa có miễn dịch với sởi cần tiêm ngay, tốt nhất trong 72 giờ đầu sau khi tiếp xúc. Trường hợp kéo dài thời gian tiêm ngừa đến 6 ngày sau tiếp xúc, nguy cơ mắc sởi tăng lên, vaccine chỉ giúp phòng biến chứng nặng.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn, như: mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), hai loại phối hợp 3 trong 1: sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Hiện trước tình hình dịch lan rộng ở nhiều địa phương, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi từ 6 tháng tuổi, đến 9 tháng và sau 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm thêm ít nhất 2 mũi vaccine sởi.
Tiêm đầy đủ mũi vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất ba tháng hoặc 1 tháng tùy theo loại vaccine để chủ động bảo vệ thai kỳ khỏi nguy cơ mắc sởi và giúp truyền kháng thể thụ động cho con.
Vì vậy, bạn cần kiểm tra sổ tiêm ngừa và đến cơ sở tiêm chủng càng sớm càng tốt để bác sĩ chỉ định sử dụng vaccine phù hợp.
Theo Bộ Y tế, năm 2025 là chu kỳ bùng phát của dịch sởi. Từ đầu năm tính đến ngày 11/4, nước ta ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Ngoài trẻ nhỏ, nhiều trường hợp mắc là người lớn đã được ghi nhận. Đa phần người lớn mắc sởi biến chứng nặng thường chưa tiêm vaccine, chưa chủng ngừa đủ mũi vaccine và chủ quan với bệnh.
Ngoài theo dõi sức khỏe, tiêm vaccine, bạn cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý, vận động thường xuyên để nâng cao thể trạng. Khi mắc bệnh, bạn tuyệt đối không nên kiêng khem quá mức, tự dùng thuốc, điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.
(Quản lý Y khoa Vùng 4 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC)