CTCP Điện Gia Lai (GEC - Mã: GEG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 25/6 tại TP HCM.
Ông Tân Xuân Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết Bộ Công Thương đánh giá 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.
Phân tích dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306 tỷ kWh, trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024.
Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Năm 2024, GEC tiếp tục triển khai chiến lược 5 năm 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, khai thác chuỗi giá trị ngành năng lượng nhằm nghiên cứu, phát triển đồng bộ các loại hình năng lượng tái tạo.
Công ty đặt kế hoạch năm nay với doanh thu hợp nhất đạt 3.120 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 72% so với thực hiện 2023.
Tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 5% bằng cổ phiếu. Thời điểm chi trả do HĐQT quyết định, dự kiến trong 2024. Theo đó, GEC sẽ phát hành hơn 17 triệu cp cho cổ đông phổ thông.
Trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, công ty thực hiện trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi 5%, đồng thời chi trả cổ tức cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi tỷ lệ 6%.
Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng Giám đốc, đánh giá tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Nhu cầu tiêu thụ điện dự báo tiếp tục tăng; tình hình thủy văn, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường… là những thách thức không nhỏ trong công tác cung ứng điện năm 2024. Tổng giám đốc EVN cho biết đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và hai kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện (mức bình thường tương ứng tần suất 65% và mức cực đoan như đã xảy ra trong năm 2023 tương ứng tần suất 90%).
Dựa trên cơ sở thực tế vận hành của các nhà máy trong 3 năm gần nhất và tính toán của các đơn vị tổng thầu EPC, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 dự kiến có sản lượng và doanh thu hợp nhất tương ứng như sau: thủy điện 340 triệu kWh – 364 tỷ đồng doanh thu; điện mặt trời farm và áp mái 385 triệu kWh – 856 tỷ đồng doanh thu; điện gió 637 triệu kWh – 1.437 tỷ đồng doanh thu.
Trong đó, mảng điện gió dự kiến ghi nhận đủ doanh thu của dự án điện gió Tân Phú Đông 1, ghi nhận doanh thu hồi tố của năm 2023 và giá điện năm 2024 tính theo giá trần 1.815,95 đồng/kWh).
Tiếp tục đầu tư và M&A các dự án năng lượng tái tạo
Về đầu tư, GEC tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại hình năng lược tái tạo mới như điện rác, hydrogen, điện gió ven bờ kết hợp hydrogen, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng… tại các tỉnh, thực hiện phân kỳ đầu tư cũng như áp dụng công nghệ phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Một đại diện ban điều hành cho biết các loại hình mới như hydrogen nêu trên hiện chưa có nhiều trên thực tế. Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm trước các dự án điện gió chỉ đếm trên đầu ngón tay mà nay đã trải khắp miền trung. Viễn cảnh của các hình thức năng lượng mới cũng có thể diễn ra tương tự, tùy thuộc vào chính sách như thế nào. Loại hình thủy điện tích năng được đánh giá “khá thú vị” khi hoạt động dựa trên việc bơm nước lên xuống từ hai hồ đối lưu, hiện đang được thí điểm tại Ninh Thuận.
Năm nay công ty tập trung hoàn thiện pháp lý nhà máy thủy điện EA Tih và triển khai thi công theo kế hoạch.
Trước những thay đổi về chính sách của Chính phủ đối với các dự án điện mặt trời trong trường hợp cơ chế chính sách của Chính phủ tiếp tục phát triển lĩnh vực điện mặt trời thông qua các chính sách về giá bán điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), GEC sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 vào vận hành thương mại.
Trường hợp rủi ro các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tiếp tục trì hoãn hoặc không thuận lợi trong giai đoạn hiện nay, công ty sẽ trích lập dự phòng đối với các khoản chi phí đã đầu tư nhằm tránh rủi ro trong dài hạn.
Được biết, dự án Đức Huệ 2 được bổ sung quy hoạch từ tháng 10/2020 và được cấp Chủ trương đầu tư vào tháng 1/2022. Tuy nhiên trong Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ không cụ thể danh mục dự án điện mặt trời thời kỳ 2021 - 2030 nên phát sinh rủi ro dự án sẽ kéo dài). Khoản chi phí trích lập này sẽ được hoàn nhập trong tương lai nếu dự án được hoàn thành và bán điện.
Một đại diện công ty nêu rõ việc trích lập dự phòng chỉ là phương án đưa ra thêm trong kịch bản tiêu cực nhất. Thực tế, khả năng cao vẫn sẽ đúng như kế hoạch. Dự án điện mặt trời đã được đưa vào quy hoạch Quy hoạch Điện VIII, cấp sổ đỏ rồi, chấp thuận chủ trương đầu tư rồi. Vào ngày 12/6, Bộ Công Thương đã trình phương án lên Thủ tướng phương án quy hoạch điều chỉnh, theo đó dự kiến từ 2025 sẽ áp dụng (nếu không có gì thay đổi).
GEC cũng bám sát kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng như quy hoạch các tỉnh, nỗ lực phát triển danh mục đầu tư dự án đã và đang phát triển, hoàn thành mục tiêu phát triển đến 2030.
Giai đoạn sắp tới, các dự án thủy điện vừa và nhỏ thuộc GEC đang dần đến hết thời hạn Hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm theo hợp đồng mẫu áp dụng biểu giá chi phí tránh được.
Ngày 12/4/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT về việc quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ sau 20 năm hết PPA, điều này sẽ một thách thức rất lớn cho công ty để đảm bảo doanh thu cũng như lợi nhuận cho cổ đông trong giai đoạn sau này.
Với mục tiêu tránh biến động lớn trong kết quả kinh doanh sắp tới, nhiệm vụ trọng tâm của GEC cần phải tìm kiếm phát triển những dự án năng lượng mới cũng như M&A dự án năng lượng hiệu quả để triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành đảm bảo nguồn thu cho trong tương lai.
Ngoài ra, công ty tiếp tục tìm kiếm mở rộng quan hệ với các đơn vị/tổ chức có năng lực tài chính, kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để hợp tác phát triển các dự án mới.