Bộ Công Thương vừa tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ Dự án Luật Thương mại điện tử. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ý kiến góp ý từ 48 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương.
Đáng chú ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định quản lý đối với trường hợp người bán không trực tiếp livestream mà thuê người nổi tiếng, người có ảnh hưởng như MC, nghệ sĩ, diễn viên, KOL (người có sức ảnh hưởng)… livestream bán hàng.
Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cũng đề nghị quy định trách nhiệm, trách nhiệm liên đới của những đối tượng này khi tham gia quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm được bán trên các nền tảng thương mại điện tử.
"Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử không chỉ bao gồm người mua, người bán mà còn có sự tham gia của rất nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC) để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm. Tuy nhiên, việc không quy định trách nhiệm của các đối tượng này trong Luật dễ dẫn tới kẽ hở, khó xử lý khi xảy ra sai phạm về hàng giả, hàng nhái, thông tin sai lệch, trốn thuế…", Sở Công Thương tỉnh Lai Châu góp ý.
Phản hồi đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết dự thảo Luật đã nêu rõ trách nhiệm của người livestream mà không phải người bán hàng, có thể bao gồm MC, nghệ sĩ, KOL...
Cụ thể, người livestream có trách nhiệm cung cấp thông tin cho chủ quản nền tảng thương mại điện tử phục vụ việc định danh và xác thực điện tử. Không cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, xuất xứ, chất lượng, giá cả, khuyến mại, chính sách bảo hành và các nội dung khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên livestream bán kẹo rau củ, thổi phồng chức năng của sản phẩm (Ảnh: Chụp màn hình).
Thực hiện đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc trường hợp pháp luật quy định phải xác nhận nội dung quảng cáo. Bảo đảm sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, trang phục, hành vi không trái với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục trong quá trình bán hàng livestream.
Người livestream cũng có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quảng cáo, thuế và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, trong tờ trình dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương thừa nhận quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động livestream bán hàng giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng.
Chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người livestream, định danh chủ tài khoản, nghĩa vụ nộp thuế và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình livestream.
"Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn nhất là trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống thất thu thuế, bất cập", cơ quan soạn thảo nhìn nhận.
Bộ Công Thương cho biết thực tiễn đã có nhiều vụ việc như các phiên livestream bán hàng nhiều tỷ đồng nhưng nhà nước không thu được thuế hay hoa hậu quốc tế livestream bán kẹo rau củ, thổi phồng chức năng của sản phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng và sức khỏe của người tiêu dùng.