Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2023 cùng doanh nghiệp "vượt sóng" diễn ra chiều ngày 17/11, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh thời gian tới, dự báo ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh tác động lên đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.
Kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung dài hạn, tạo áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hóa trong hoạt động.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang có sự chênh lệch rất lớn. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Hùng cho biết, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện đang phải mua lại trước hạn mà nguồn tiền lấy từ các tổ chức kinh tế, tín dụng ngân hàng.
"Tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng đang chênh lệch rất lớn, kể cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng thì các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng khó có nguồn để cho vay. Điều này khiến mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao, ảnh hưởng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Công tác xử lý nợ xấu của các NHTM gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn
Theo ông Hùng, cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Chính sách tiền tệ phải được điều hành đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Trước tình hình khó khăn hiện nay, cần khẩn trương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Ông Hùng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.
Bên cạnh đó, thành lập thị trường mua bán nợ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.
Ngoài ra, ông Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế và tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao.