Tài chính

Đề nghị truy tố đường dây tiêu thụ tiền giả liên tỉnh

Ngày 26/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã kết luận điều tra vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị truy tố 2 đối tượng, gồm Phạm Minh Trung (30 tuổi, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và Trần Hoàng Thái Quang (22 tuổi, trú tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.

Trước đó, vào khoảng 21 giờ 45 ngày 17/1, lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Bình Thuận khi đang tuần tra tại khu vực khu phố 4, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết thì phát hiện Trần Hoàng Thái Quang có hành vi tiêu thụ tiền giả nên đã tiến hành kiểm tra.

Qua đó phát hiện, thu giữ 3 triệu đồng tiền giả. Làm việc với công an, Quang khai nhận đã mua tiền giả từ một thanh niên ở tỉnh Đồng Nai với giá 1 triệu đồng tiền thật đổi được 4 triệu đồng tiền giả.

Mở rộng điều tra, đến ngày 20/1, tại phường Suối Tre (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), Tổ công tác đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tiến hành truy xét, bắt giữ Phạm Minh Trung, thu giữ 18 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.

Tiến hành khám xét chỗ ở của đối tượng tại phường Xuân An (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), Tổ công tác đã phát hiện, thu giữ hơn 213 triệu đồng tiền giả (gồm 261 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng và 322 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng).

Tổng cộng số tiền giả đã thu giữ của Phạm Minh Trung là 231.200.000 đồng. Qua làm việc, Phạm Minh Trung khai nhận tất cả số tiền thu giữ nêu trên đều là tiền giả, Trung cất giấu nhằm mục đích bán cho người khác để kiếm lời.

Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành các biện pháp điều tra, xác minh, xử lý các đồ vật, tài liệu liên quan; đề nghị truy tố Quang và Trung về tội danh “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, có nhiều cách để phân biệt tiền thật, tiền giả. Một trong những cách thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu. Đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì giống như một tờ giấy bị bóp nhàu nát, không có sự đàn hồi.

Cách thứ hai, người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tiền thật thì khi vuốt lên các chi tiết này có cảm giác nhám, ráp, còn đối với tiền giả thì khi vuốt có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp. Ngoài ra, người dân cần ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán điện tử (như chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử…) để tránh được nguy cơ nhận tiền giả.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm