Động thái phối hợp quản lý thị trường vàng diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành, không để giá vàng trong nước chênh cao với thế giới.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, giám sát thị trường, xử lý và cung cấp thông tin các hành vi vi phạm, đặc biệt trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới gây xáo trộn thị trường.
Bộ Tài chính được đề xuất tăng hướng dẫn, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; xử lý nghiêm hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và có giải pháp hạn chế ảnh hưởng lên tỷ giá, lạm phát.
Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu dưới sự giám sát của nhà điều hành.
Tuy nhiên trong chục năm nay, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng cũng như không cấp phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn cung vàng miếng hằng năm không tăng thêm mà thậm chí giảm đi bởi có những thời điểm chế tác vàng miếng thành nguyên liệu, nữ trang và xuất ra nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang đánh giá việc triển khai Nghị định 24. Trong tháng này, nhà điều hành sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.