Thông tin gây rúng động K-pop trong hôm qua là HYBE – doanh nghiệp đứng sau nhóm nhạc đình đám BTS, đã trở thành cổ đông lớn nhất của SM Entertainment - ông trùm của các nhóm nhạc như TVXQ, Super Junior, Red Velvet…
Trong những năm qua, các nhóm nhạc Hàn Quốc ngày một nổi tiếng hơn và đã vươn tầm ra thế giới. Gần đây nhất, thành viên Jung Kook của nhóm nhạc BTS đã thực hiện màn biểu diễn trong ngày khai mạc của World Cup 2022 - giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Điều đó khẳng định danh tiếng vững chắc của các nhóm nhạc Hàn Quốc, cũng như cho thấy cách làm giải trí của Hàn Quốc đã và đang mang lại rất nhiều thành công cho họ.
SM Entertainment là một trong số những công ty nổi tiếng nhất lĩnh vực giải trí của đất nước này, quản lý rất nhiều cái tên quen thuộc như TVXQ, Super Junior, Red Velvet… Với danh tiếng của SM, họ trở thành mục tiêu lớn của rất nhiều công ty khác có tham vọng mở rộng.
Ông trùm của các nhóm nhạc đình đám SM Entertainment: Từ Shinhwa, BoA đến Super Junior và Exo, Red Velvet
SM Entertainment có tiền thân là SM Studio được thành lập vào ngày Lễ tình nhân năm 1989 bởi Lee Soo Man. Với sự nhanh nhạy của mình, ông nhanh chóng tập trung việc phát triển một công ty có thể giúp đỡ các nghệ sĩ phát triển sự nghiệp một cách toàn diện. Đối tượng khách hàng mà công ty nhắm đến ngay từ những ngày đầu thành lập là các khán giả trẻ tuổi tại Hàn Quốc.
Bằng chiến lược hợp lý trong việc đào tạo các nghệ sĩ, SM đã cho ra lò nhiều tên tuổi cuối những năm 90 của thế kỷ trước như Shinhwa hay BoA. Liên tục trong 2 năm 1997 và 1998, Lee Soo Man nhận giải thưởng dành cho Nhà điều hành xuất sắc nhất ở lĩnh vực âm nhạc của đài SBS.
Lee Soo Man, người đứng sau những thành công của SM Entertainment (Ảnh: Kbizoom)
Tuy nhiên tham vọng của SM không dừng lại tại đây, khi họ tiếp tục sản sinh ra nhiều nhóm nhạc xuất sắc như TVXQ, Girls' Generation, Shinee và đặc biệt là hiện tượng Super Junior.
Những nhóm nhạc này với biên đạo và âm nhạc xuất sắc đã thu hút hàng triệu người hâm mộ trẻ tuổi không chỉ tại Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, đem lại doanh thu hàng chục tỷ won cho công ty.
Quý 1 năm 2010, với album “Mr Simple” của Super Junior được ra mắt, SM ghi nhận lợi nhuận hoạt động lên tới 10.4 tỷ won, tăng 471% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng thúc đẩy họ mở rộng thị trường ra bên ngoài Hàn Quốc, với tiềm năng cực kỳ to lớn của nền âm nhạc nước này.
Cuộc viễn chinh đưa K-pop ra thị trường nước ngoài
SM bắt đầu mở những chi nhánh nước ngoài, bắt đầu từ thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Đồng thời, công ty cũng mua lại nhiều doanh nghiệp âm nhạc khác trong và ngoài nước để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Sự phát triển của SM đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có Alibaba khi tập đoàn này mua lại 4% cổ phần của công ty với giá 30 triệu USD vào năm 2016. SM cũng tiếp tục giới thiệu nhiều nhóm nhạc mới trong các năm tiếp theo, tiêu biểu là Exo và Red Velvet với lượng người hâm mộ khổng lồ.
SuperM – nhóm nhạc của SM Entertainment đứng đầu bảng xếp hạng album Bilboard 200 của Mỹ (Ảnh: Billboard)
Chiến lược mở rộng ra quốc tế của SM từng bước đạt được thành công khi những nhóm nhạc của họ sở hữu nhiều người hâm mộ bên ngoài biên giới Hàn Quốc, dù điều này không hề dễ dàng khi công ty gặp vô số trở ngại trong việc vươn tầm thế giới.
Cuối năm 2019, nhóm nhạc SuperM của SM – dù chỉ mới ra mắt được khoảng 2 tháng đã giành được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng album Billboard 200 danh giá và là một trong hai nhóm nhạc Hàn Quốc duy nhất – bên cạnh BTS có được vinh dự này.
Các buổi biểu diễn của nhóm nhạc này tại Mỹ thu hút hàng nghìn người hâm mộ, đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho SM. Năm 2021, SM đạt doanh thu hơn 700 tỷ won (khoảng 500 triệu USD) với lợi nhuận sau thuế khoảng 133 tỷ won (103 triệu USD), phần lớn đến từ mảng kinh doanh chính là giải trí.
Doanh thu khổng lồ của SM Entertainment đến chủ yếu từ mảng giải trí (Ảnh: Statista)
Khi BTS góp sức cũng Super Junior và Exo, Red Velvet
Với tham vọng hợp nhất hai tổ chức giải trí hàng đầu Hàn Quốc để tạo nên một thế lực đủ sức đối đầu với những doanh nghiệp lớn trong cùng ngành công nghiệp trên thế giới, HYBE – công ty đứng sau nhóm nhạc BTS, đã mua lại 14,8% cổ phần của nhà sáng lập Lee Soo Man với giá gần 433 tỷ won (334 tỷ USD) để trở thành cổ đông lớn nhất của SM.
Công ty cũng tiếp tục tìm mua lại cổ phần từ các cổ đông riêng lẻ nhằm tăng tỷ trọng nắm giữ của mình. HYBE dự kiến sẽ mua thêm 25% cổ phần của SM từ các nhà đầu tư khác trong thời gian tới đây. Nhờ thông tin này mà cổ phiếu của SM Entertainment tăng 16,5% trong ngày lên mức 114.700 won/ cổ phiếu.
Cổ phiếu của HYBE và các hãng giải trí khác của Hàn Quốc cũng có mức tăng đáng kể trong ngày.
Giá cổ phiếu của SM tăng đột biến sau thông tin họ bán cổ phần của HYBE
Với hơn 30 năm hoạt động trong ngành giải trí, SM đã trở thành một trong những biểu tượng của sự thành công của KPop. Tuy nhiên để có thể tiếp tục phát triển và cạnh tranh trên tầm thế giới, công ty cần một nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa và việc bắt tay với HYBE để xây dựng một đế chế mới là bước đi cần thiết.
Với việc cùng sở hữu những nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu, sự hợp tác này được hứa hẹn là sẽ thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc không chỉ tại Hàn Quốc mà còn trên thế giới nữa.