"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", mọi đứa trẻ sinh ra đều mang theo một bản tính nhất định. Tính cách phát triển theo chiều hướng tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục.
Cho rằng trẻ còn nhỏ chưa thể phân biệt điều đúng, điều sai nên không ít bậc cha mẹ thường để trẻ phát triển theo bản năng, đợi khi lớn hơn mới uốn nắn. Sai lầm này thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bởi sau này, trẻ sẽ trở không chịu nghe lời, thậm chí là cãi lại cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần giáo dục tính cách cho trẻ càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp trẻ trở nên ngoan hơn mà còn là nền tảng giúp trẻ gặt hái được thành tựu to lớn, trở thành người có ích trong xã hội sau này.
Dưới đây là 3 tính cách cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để rèn luyện cho trẻ.
1. Giúp trẻ hình thành tính kiên nhẫn từ nhỏ
Trong hành trình cùng con khôn lớn, ngoài việc kích thích não bộ, cha mẹ đừng quên rèn luyện tính kiên nhẫn bởi nó có nhiều tác động tích cực đến trẻ khi lớn lên. Đứa trẻ có tính kiên nhẫn sẽ học được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống và thành công hơn.
Để giúp trẻ trở nên kiên nhẫn, đầu tiên cha mẹ cần là khuôn mẫu cho trẻ noi theo. Khi làm bất cứ việc gì, người lớn đều phải kiên trì, nghiêm túc và làm hoàn chỉnh. Mỗi ngày, trẻ đều quan sát mọi hành động, cử chỉ, lời nói của cha mẹ và học theo. Trẻ sẽ học theo cách cha mẹ giữ bình tĩnh và xử lý tình huống trong lúc khó khăn.
Trẻ có tính kiên nhẫn sẽ sớm gặt hái được thành công. (Ảnh minh họa)
Để rèn cho con tính kiên nhẫn, cha mẹ hãy tạo những khoảng thời gian để trẻ học cách chờ đợi. Chẳng hạn như khi làm đồ ăn cho con, hãy hỏi con nhận xét về đồ ăn trước khi thưởng thức hay khi đợi thang máy, xếp hàng mua đồ, chờ tới lượt chơi đu quay,… Hay khi trẻ cảm thấy đói, trẻ thường lập tức đòi ăn, muốn chơi lập tức đòi đồ chơi. Lúc đó, cha mẹ không nên đáp ứng ngay nguyện vọng mà nên kéo dài một khoảng thời gian nhất định. Như vậy mới có thể rèn luyện tính cách kiên nhẫn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Ngoài ra, để giúp con xây dựng tính kiên nhẫn, cha mẹ cần đưa ra điều kiện ngược lại khi con yêu cầu thứ gì đó. Chẳng hạn trẻ sẽ phải hoàn thành bài tập, làm việc nhà hoặc một điều gì đó mới nhận được thứ mình mong muốn. Phương pháp này sẽ giúp trẻ học được cách có mọi thứ bằng chính năng lực bản thân. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của thời gian, nên nhẫn nại và biết mình cần phải chờ đợi bao lâu.
2. Loại bỏ ngay tính ghen tỵ càng sớm càng tốt
Sự công bằng vốn không được chia đều cho mọi người, mỗi đứa trẻ lớn lên trong một gia cảnh khác nhau. Trẻ còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là công bằng, vì thế hầu hết mọi đứa trẻ đều tồn tại tính ganh tỵ. Việc dạy trẻ về sự công bằng luôn là điều khó khăn nhất và cần được bắt đầu từ sớm. Bởi ganh tỵ với người khác là một tính cách xấu, gây cản trở sự thành công của trẻ trong tương lai.
Nhiều trẻ có thái độ ganh ghét, tỏ ra bực tức, khóc lóc khi thấy bạn có quần áo, đồ chơi đẹp hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần giữ thái độ nghiêm khắc để dạy trẻ. Hãy lắng nghe lý do, đồng thời phải giải thích cho trẻ hiểu tại sao không được làm như vậy.
Bên cạnh đó, chính cha mẹ cũng phải có thái độ công tâm, không thiên vị mới có thể dạy bảo cho con.
Ảnh minh họa.
3. Dạy cách chia sẻ, nhường nhịn người khác
Trẻ nhỏ thường ít có khả năng tự kiểm soát cảm xúc hay hành động để biết chia sẻ, nhường nhịn người khác. Trẻ luôn đòi bằng được những món đồ chơi mình thích, thậm chí khi một đứa trẻ khác đang chơi món đồ ấy. Một khi được chiều chuộng, đáp ứng nhu cầu, trẻ sẽ không biết nhường nhịn, sẻ chia. Tính cách này sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành.
Với những trường hợp này, cha mẹ nên khuyến khích các con thay phiên nhau chơi món đồ chơi đó. Đồng thời, hướng sự tập trung của trẻ sang một món đồ chơi hay một hoạt động nào khác để trẻ không chú ý đến món đồ chơi đó nữa. Quan trọng hơn, cha mẹ nên tập cho trẻ biết cách giữ bình tĩnh và sự kiên nhẫn để giải quyết mọi việc.