Bất động sản

Đầu tư xây thêm 16 ‘lá phổi xanh’ cho Thủ đô

Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội đã được khắc phục các hạng mục xuống cấp, bổ sung thêm tiện ích để phục vụ người dân. Trong đó, 3 công viên lớn của thành phố bao gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo gần 900 tỷ đồng.

Tại công viên Thống Nhất, cùng với việc kết nối với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, mở 4 lối dành cho người đi bộ được tiếp cận công viên dễ dàng các hoạt động của công viên này đã tăng rõ rệt về chất lượng, cảnh quan, thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí.

Đầu tư xây thêm 16 ‘lá phổi xanh’ cho Thủ đô- Ảnh 1.

Một góc công viên Yên Sở

Có thể thấy không gian công viên cây xanh là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, giải trí của người dân để đáp ứng cho nhu cầu giao tiếp xã hội. Đây cũng là nơi để tập thể dục thể thao và thư giãn nhằm tái tạo sức lao động của cư dân đô thị.

Công viên còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị cũng như cải thiện môi trường sống. Cây xanh trong các công viên có tác dụng bảo vệ môi trường như hút khí CO2, cung cấp O2 và ngăn giữ các chất khí bụi độc hại.

Cây xanh còn có tác dụng hạn chế tiếng ồn, nhất là ở khu vực nội thành. Ở vùng ngoại thành, cây xanh có tác dụng chống xói mòn, điều hòa mực nước ngầm.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu không gian vui chơi và công viên quy mô lớn.

Để giải cơn khát không gian xanh, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 16 công viên chuyên đề làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân.

Đầu tư xây thêm 16 ‘lá phổi xanh’ cho Thủ đô- Ảnh 2.

Không gian công viên cây xanh là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng

Ngày 28/2/2024, Văn phòng UBND TP có Văn bản số 2183/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về quy hoạch chi tiết các công viên trên địa bàn thành phố

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương có văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát công viên, vườn hoa trên địa bàn quản lý để lập Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500; phối hợp với Sở KH&ĐT cung cấp danh mục, thông tin quy hoạch các dự án công viên chuyên đề đã được xác định tính chất quy hoạch trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để kêu gọi đầu tư theo quy định; phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật vị trí, quy mô, tính chất các công viên đề xuất điều chỉnh tính chất từ cây xanh thành chuyên đề trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 theo quy định.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 21/3/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản nghị UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 với 32 công viên. Đồng thời đề nghị Sở KH&ĐT lập danh mục kêu gọi đầu tư công viên theo phương thức xã hội hoá đối 12 công viên có tính chất là công viên chuyên đề đã xác định theo quy hoạch.

Cùng đó đề nghị Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cập nhật vị trí, quy mô và tính chất 16 công viên chuyên đề đã được UBND TP Hà Nội thống nhất tại Văn bản số 2183/VP-ĐT ngày 28/2/2024.

Theo danh mục 16 công viên đề xuất điều chỉnh tính chất từ cây xanh thành chuyên đề được UBND TP Hà Nội chấp thuận, quận Bắc Từ Liêm có nhiều nhất gồm: công viên nghỉ ngơi, vườn ươm (tại các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Thượng Cát, Thuỵ Phương); công viên thực vật (các phường Cổ Nhuế 2 và Thuỵ Phương);

Đầu tư xây thêm 16 ‘lá phổi xanh’ cho Thủ đô- Ảnh 3.

Công viên văn hoá, giải trí kết hợp bảo tồn vườn quả và du lịch nông nghiệp (các phường Minh Khai, Phúc Diễn, Phú Diễn); công viên văn hoá nghỉ ngơi (các phường Minh Khai, Tây Tựu); công viên văn hoá lịch sử (các phường Phúc Diễn, Minh Khai); công viên Hữu Nghị (các phường Cổ Nhuế 1, Xuân Tảo); công viên vui chơi giải trí (các phường Minh Khai, Phúc Diễn, Phú Diễn).

Tại quận Long Biên có công viên văn hoá - giáo dục - dịch vụ (phường Giang Biên). Huyện Đan Phượng có công viên Tân Lập - Tân Hội (tại các xã Tân Hội, Tân Lập); công viên Tân Lập - Tây Tựu (xã Tân Lập thuộc huyện Đan Phượng và phường Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm).

Huyện Đông Anh có công viên cây xanh thể dục thể thao kết hợp công cộng thành phố (xã Tiên Dương); khu cây xanh thể dục thể thao (các xã Uy Nỗ, Xuân Nộn, Việt Hùng); công viên Kim Quy (các xã Vĩnh Ngọc, Tiên Dương).

Huyện Gia Lâm có công viên hồ điều hoà, văn hoá thể thao, công cộng dịch vụ và khu dân cư đô thị mới (các xã Yên Viên, Đình Xuyên); công viên văn hoá lịch sử Phù Đổng (xã Phù Đổng); công viên chức năng đô thị Trâu Quỳ (thị trấn Trâu Quỳ).

Như vậy, trong tương lai gần, người dân Thủ đô có thể kỳ vọng vào một thành phố có nhiều không gian xanh công cộng hữu ích để sử dụng.

Để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa như trên, thạc sĩ, KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo và xây mới đồng bộ hệ thống các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các công viên, vườn hoa trong khu vực nội đô Hà Nội là rất cần thiết. Việc phát triển các công viên cây xanh, công viên chuyên đề của Hà Nội phải tuân thủ theo đúng quy hoạch như Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

PGS.TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng, trong công viên hiện nay, nếu muốn trồng cây cần chọn loài trồng sao cho đúng, chọn những loài có cành nhánh cứng ít gãy đổ. Đồng thời, chúng ta không nên trồng cây bứng mà nên trồng cây ươm từ vườn thì rễ cọc cắm sâu, ít dẫn đến ngã đổ.

Góp ý cho vấn đề quản lý cây xanh cho công viên, TS Nguyễn Thị Lan Thi, giảng viên Khoa sinh học và công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, cây xanh đường phố hay cây trong công viên cần được được đánh giá kỹ lưỡng. Ở một số nước, điển hình là Singapore muốn đạt quản lý cây xanh tốt, đạt được thành tựu như hiện nay họ đã lập hồ sơ theo dõi cây xanh, chương trình quản lý rõ ràng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm