Bất động sản

Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) muốn chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 116%

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất (doanh thu gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ) gần 5.313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 25% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Kế hoạch được đưa ra dựa trên nhận định về nguy cơ chậm phục hồi kinh tế và xấu hơn là suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đáng kế đến hoạt động kinh doanh dịch vụ hạ tầng điện nước, xử lý nước thải của công ty.

 (Nguồn: SIP).

Về phương án trả cổ tức năm 2022, công ty dự kiến thực hiện với tỷ lệ 96% ,trong đó, 16% bằng tiền mặt và 80% bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, công ty muốn phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%. 

Hiện tại, Đầu tư Sài Gòn VRG đang có vốn điều lệ 909 tỷ đồng, tương ứng gần 91 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nếu phát hành thành công 73 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 80%) và 18 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 20%), vốn điều lệ của SIP sẽ tăng lên mức 1.818 tỷ đồng.

Số tiền mặt dùng để chi trả cổ tức dự kiến là hơn 147 tỷ đồng. Trước đó, tháng 7/2022, SIP đã chi trả một phần cổ tức tiền mặt của năm 2022 với tỷ lệ 10% (tương ứng tổng số tiền 93 tỷ đồng).

Năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.  

ĐHĐCĐ của Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ được tổ chức vào chiều ngày 29/5 theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, cổ đông của SIP cũng sẽ thực hiện bầu 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2023-2028. Ngoài ra, công ty tiếp tục trình cổ đông kế hoạch đăng ký niêm yết trên HOSE trong năm nay.

Dòng tiền kinh doanh thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2019

Đầu tư Sài Gòn VRG mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu 1.394 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và lãi ròng 166 tỷ đồng, giảm 28%. Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ việc bán điện, nước với hơn 1.136 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận chi phí tài chính tăng gấp 5,4 lần, lên mức 102 tỷ đồng. Trong đó, có khoản lỗ 89 tỷ đồng từ việc thoái vốn công ty con (cùng kỳ không ghi nhận) và chi phí lãi vay 13 tỷ đồng, tăng 3,3 lần. Các khoản mục khác không có sự biến động đáng kể.

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý I/2023 của Đầu tư Sài Gòn VRG).

Tại ngày 31/3, công ty có tổng tài sản 19.760 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn là 4.759 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm và chiếm 24% tổng tài sản. 

Hàng tồn kho của công ty ở mức 409 tỷ đồng; các khoản tiền và tiền gửi ngắn hạn đạt 3.587 tỷ đồng. Doanh nghiệp có khoản mục chứng khoán kinh doanh với giá gốc hơn 126 tỷ đồng và trích lập 1 tỷ đồng dự phòng giảm giá.  

Nợ phải trả ở mức 15.915 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó dư nợ vay tài chính là 1.002 tỷ đồng, hầu hết là vay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Đầu tư Sài Gòn VRG có hơn 11.020 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn và 352 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn về tiền thuê đất, nhà xưởng.

Vốn chủ sở hữu công ty đạt 3.844 tỷ đồng, gồm, 1.692 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 604 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triền. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 4,1 lần.

Ba tháng đầu năm, việc các khoản phải thu tăng cao đã khiến dòng tiền kinh doanh của Đầu tư Sài Gòn VRG âm 807 tỷ đồng, đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ lần đầu công bố báo cáo tài chính hằng quý vào quý I/2019 (giữa năm 2019, cổ phiếu SIP được giao dịch trên UPCoM).

Kết phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu SIP đóng cửa ở mức 92.800 đồng/cổ phiếu.

(Nguồn: Tradingview).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm