Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông đưa ra tại buổi họp báo Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, giao thông là một điểm nghẽn của vùng Tây Nguyên, làm giảm sự thu hút đầu tư của khu vực này với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các tuyến đường giao thông kết nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hay phía Nam hiện vẫn chưa được triển khai. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 23, Chính phủ đã quy định rất rõ lộ trình để các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải huy động nguồn lực, kiến nghị các cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ 9 dự án giao thông.
Bộ GTVT và các địa phương được giao trước năm 2030 phải thực hiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc gồm: Quy Nhơn – Pleiku, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa – Chơn Thành, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.
Những tuyến đường này sẽ kết nối Tây Nguyên với các cảng biển và kết nối với một vùng kinh tế đầy tiềm năng là khu vực Đông Nam Bộ.
Trong 5 dự án này, hiện tại, tuyến Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột đã đầu tư hoàn toàn bằng vốn đầu tư công; tuyến Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương đầu tư theo BOT, tuyến Gia Nghĩa – Chơn Thành đang quyết liệt triển khai để đầu tư theo PPP.
Ngoài 5 tuyến cao tốc, vùng Tây Nguyên cũng sẽ nâng cấp mà mở rộng và nâng cấp ba Cảng hàng không hiện có gồm Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột. Trong đó, Cảng hàng không Liên Khương từ quy mô 4D sẽ được nâng cấp lên 4E, Cảng hàng không Pleiku và Buôn Ma Thuột được mở rộng quy mô nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Dự án cuối cùng nằm trong số 9 dự án giao thông dành cho Tây Nguyên là việc khôi phục trở lại tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt để phục vụ khách du lịch. Đây là tuyến đường sắt có từ thời Pháp và chưa khai thác được. Việc khôi phục lại tuyến đường sắt này mang ý nghĩa quan trọng, nhằm kết nối Tây Nguyên với khu vực miền Trung.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, nguồn vốn của các dự án này sẽ được lấy từ Ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và huy động xã hội hoá thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).
Thứ trưởng cũng cho biết, với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên