Chứng khoán

Đâu là những nhóm ngành được dự báo chịu tác động từ câu chuyện thuế quan?

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 17/2, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã chia sẻ nhận định về tác động của câu chuyện thuế quan từ Mỹ đến các nhóm ngành.

Tổng quan, ông Sơn cho biết Từ nay đến 1/4, có thể thị trường toàn cầu nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có được giai đoạn “bình yên”.

Chiến lược thương mại trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rõ ràng, những quốc gia mục tiêu bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc. Ông Trump đã thực hiện áp thuế 25% với Mexico và Canada, nhưng đang hoãn lại trong một tháng.

Yếu tố Mexico và Canada đang cần đàm phán liên quan đến người nhập cư, cũng như ngăn chặn luồng đi của fentanyl vào Mỹ.

  Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS). (Ảnh chụp màn hình).

Việt Nam đứng trong Top 8 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất với Mỹ và Top 4 có thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ. Nguyên nhân khiến Việt Nam chưa rơi vào tầm ngắm của ông Trump là do trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã mạnh tay đánh thuế vào Trung Quốc và một số nước khác.

Tuy nhiên, vì đánh thuế mạnh tay như vậy, Mỹ cần một lượng hàng hóa thay thế cho những hàng hóa đã chịu thuế. Việt Nam, Mexico và Đài Loan (Trung Quốc) đã hưởng lợi từ nhiệm kỳ này.

Việc đánh thuế của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai là đa mục đích, nhưng Mỹ vẫn cần lượng hàng hóa để nhập, đảm bảo mức độ cạnh tranh. Vì vậy, từ nay đến 1/4, nếu ông Trump đánh thuế vào Mexico và Canada, đây có thể là cơ hội của cho những quốc gia xuất khẩu khác vào Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ Mexico và Canada vào Mỹ hiện đang rất lớn. Mỹ đang thâm hụt ở những sản phẩm nông sản này. Nếu áp thuế chung 25% cho hàng hóa Mexico và Canada, nông sản của các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó bao gồm Việt Nam có thể hưởng lợi.

Việt Nam có thể ảnh hưởng nếu Mỹ đưa ra luật thuế đối ứng (qua lại giữa Mỹ và các nước khác) áp dụng lên những quốc gia có thặng dư thương mại hoặc kim ngạch thương mại lớn với Mỹ.

Với loại thuế này, Mỹ sẽ tập trung vào những loại hàng hóa mà Mỹ không có lợi thế nhưng phải nhập khẩu nhiều. Trong giai đoạn vừa rồi, Mỹ đã áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ cho các hãng sản xuất thép của Mỹ. Đây là động thái mang tính chiến lược để bảo vệ nền sản xuất thép và nhôm trong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ máy móc, thiết bị phụ tùng, máy tính và linh kiện, hàng dệt may. Đây là những mặt hàng có thể chịu ảnh hưởng nếu Mỹ đánh thuế đối ứng. Hiện ông Trump mới chỉ đưa ra bản ghi nhớ về loại thuế này, và có thể vẫn đang xây dựng hàng rào thuế với nhiều quốc gia.

Nhà đầu tư có thể lường trước yếu tố này, còn khả năng ông Trump áp dụng ngay lập tức là chưa có. Bởi nếu áp dụng ngay, giá cả toàn cầu sẽ lên rất cao, người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn, chi tiêu tiêu dùng giảm, trong khi lạm phát vọt tăng, gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Khi lạm phát tăng lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại trong quá trình hạ lãi suất, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Thứ hai, khi giá cả tăng lên, niềm tin tiêu dùng và lĩnh vực bán lẻ của Mỹ sẽ suy yếu. Báo cáo doanh số bán lẻ tháng 1 của nước này cho thấy dấu hiệu suy giảm rất mạnh, một phần do ảnh hưởng của thời tiết, cũng như yếu tố cháy rừng. Tuy nhiên, một phần khác cũng có thể đến từ chính sách thuế quan.

Đối với công nghiệp ô tô, những quốc gia sản xuất ô tô và bán tại Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều nhất. Còn đối với những quốc gia có thương mại về ô tô không đáng kể với Mỹ sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng.

Thống kê Bloomberg cho thấy các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Mexico, Canada và châu Âu. Khi ông Trump đánh thuế 25% vào Mexico và Canada, biên lợi nhuận các nhà sản xuất ô tô có thể giảm từ 3.500 – 10.000 USD/xe, khiến chi phí nhập khẩu bị đội lên.

Ngoài ra, các hãng xe châu Âu như Audi, BMW, Volkswagen và Porsche… đang nhập khẩu 1,4 triệu xe vào Mỹ. Trong đó 40% nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Do vậy, chắc chắn ảnh hưởng của thuế quan lên ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ rất lớn.

Còn đối với Việt Nam, ảnh hưởng của thuế quan lên ngành ô tô sẽ không quá nhiều.

Một quan sát khác, trong giai đoạn này, khi vấn đề thuế quan ngày càng nóng, câu chuyện về cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới phục hồi đang rất nóng bỏng. Nhờ vậy, cổ phiếu khoáng sản, cao su đang tăng rất tốt. Đây là cơ hội riêng có của thị trường trong giai đoạn này.

Thực tế, giá cả hàng hóa toàn cầu đã tăng trở lại, chẳng hạn như phân bón, cao su. Đây là yếu tố tích cực giúp nhóm cổ phiếu phân bón và cao su, đặc biệt là cao su, tăng trưởng rất tốt trong thời gian gần đây.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán khởi sắc từ sau quý II

Đối với thị trường chứng khoán trong nước, nhà phân tích nhận thấy nhiều điểm sáng qua năm 2025. Thứ nhất, về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng 8%. Ở những năm GDP tăng trưởng cao thì sẽ có các chính sách đồng hành như đẩy mạnh đầu tư công, tăng trưởng tín dụng. Đây là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền, thanh khoản cũng như các ngành nghề phục hồi.

Theo dự báo của VPBankS, ngoài câu chuyện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường còn đón một số yếu tố tích cực như câu truyện nâng hạng. Dự kiến vào tháng 3, FTSE Russell sẽ đưa ra báo cáo cập nhật về Việt Nam. Ông Sơn kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9.

Trong kỳ hội thảo tháng 12/2024, VPBankS kỳ vọng năm 2025 là một năm kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Những lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt bất động sản sẽ có cơ hội tăng giá, phục hồi đáng kể. Nếu tín dụng tăng từ 16 - 18%, nhóm ngân hàng sẽ có dư địa rất tốt để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận.

Thứ hai, nhóm ngành đầu tư công sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công ngay từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu đầu tư công trên sàn niêm yết cũng đã phản ánh tích cực trước tin tức này.

Đối với nhóm bất động sản, hiện nhiều cổ phiếu đang ở vùng đáy trong hai năm. Nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh, khó khăn được tháo gỡ, cổ phiếu nhóm này sẽ sớm có đà phục hồi.

Đối với VN-Index, chỉ số có thể tiếp tục đà tăng và có những nhịp bật lên 1.300 điểm, chẳng hạn 1.310 điểm và nhỉnh hơn. Nhưng sau đó, rất có thể VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại. Theo ông Sơn, nguyên do là đến nay, dù có rất nhiều thông tin tích cực, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt, thanh khoản vẫn chưa thể đảm bảo giữ vững nhịp tăng mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm