ThS.BSCKII Hà Tuấn Hùng, khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tăng huyết áp là nguyên nhân cao thứ hai gây ra bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chỉ sau đái tháo đường. Ngược lại, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát từ tổn thương thận.
Bác sĩ Hùng giải thích huyết áp tăng cao và kéo dài làm tổn thương, phá hủy các mạch máu trong cơ thể, giảm lượng máu cung cấp đến thận gây xơ hóa thận. Huyết áp cao cũng khiến các mạch máu tại thận phải chịu áp lực lớn, phá hủy bộ lọc ở cầu thận, khiến cơ quan này không thể loại bỏ chất cặn bã độc hại và lượng nước dư thừa.
Ngay cả tăng huyết áp mức độ nhẹ trong nhiều năm cũng có thể làm tổn thương thận. Giai đoạn đầu, tổn thương thận thường không gây ra triệu chứng cụ thể nào. Tổn thương tiến triển âm thầm khiến bệnh thận mạn thường chỉ được phát hiện muộn thông qua các xét nghiệm đánh giá.
Bác sĩ Hùng hướng dẫn người bệnh nhận biết sớm những dấu hiệu của suy giảm chức năng thận như dưới đây.
Thiếu năng lượng hoặc khó tập trung, suy giảm thể lực
Thận loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giữ cho xương chắc khỏe và duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Suy giảm nghiêm trọng chức năng thận có thể dẫn đến tích tụ độc tố và tạp chất trong máu, khiến người bệnh mệt mỏi, sức lực yếu và khó tập trung.
Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây khó thở, chóng mặt và mệt mỏi. Thiếu máu ở người mắc bệnh thận thường gặp do EPO (hormone kích thích tạo hồng cầu được sản xuất chủ yếu ở thận) thấp. Xét nghiệm máu thường xuyên là cách để phát hiện tình trạng thiếu máu chính xác và nhanh chóng.
Khó ngủ
Tích tụ các độc tố trong máu như ure, creatinine, rối loạn hormone, thiếu máu nhiều mức độ cũng gây khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thiếu oxy mạn tính. Ở người béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng phổ biến hơn ở khi mắc bệnh thận mạn, nếu không được kiểm soát dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối, suy tim.
Da khô và ngứa
Đây có thể là dấu hiệu của thận không còn khả năng duy trì cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu hoặc là dấu hiệu bệnh thận tiến triển. Ở người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, tình trạng da khô và ngứa có thể bắt đầu xuất hiện tại một số bộ phận như ngực, mặt và tay chân, thậm chí trên khắp cả người do rối loạn chuyển hóa, loạn dưỡng cơ - xương.
Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên hơn, nhất là vào ban đêm hoặc đi nhiều lần nhưng lượng tiểu ra ít có thể là dấu hiệu của bệnh thận hoặc đường bài tiết.
Máu trong nước tiểu
Tăng huyết áp kéo dài không kiểm soát, bệnh cầu thận nguyên phát, thứ phát gây viêm, xơ hóa cầu thận có thể khiến các tế bào hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu theo nhiều mức độ. Ngoài việc báo hiệu bệnh cầu thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Nước tiểu có bọt
Nước tiểu di chuyển từ thận xuống bàng quang rồi đào thải ra ngoài. Nhiều bọt cho thấy có protein trong nước tiểu. Protein niệu cao là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận có vấn đề. Nồng độ protein niệu đạt mức 3,5 g/24 giờ trở lên có thể là cảnh báo hội chứng thận hư.

Phù chân là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh thận mạn. Ảnh: Ngọc Trang
Bọng mắt dai dẳng, phù chân
Đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn, khi chức năng thận suy giảm, gây giữ nước, muối, thừa dịch hoặc tình trạng thận hư làm giảm albumin, protein trong máu gây phù các vị trí như bọng mắt, mặt, mắt cá chân, mu chân, cẳng chân... Phù nề có thể là triệu chứng của bệnh lý mạn tính khác như suy tim, xơ gan... Người bệnh cần khám để được chẩn đoán sớm.
Chán ăn
Tích tụ độc tố do chức năng thận suy giảm gây ra chán ăn, buồn nôn, sợ thịt cá, rất thường gặp. Trường hợp nặng có thể chảy máu tiêu hóa, hơi thở mùi táo lên men...
Loạn dưỡng cơ - xương
Mất cân bằng điện giải có thể là kết quả của suy giảm chức năng thận. Ví dụ, nồng độ canxi thấp và phốt pho không được kiểm soát tốt có thể góp phần gây ra chuột rút, loãng xương, rối loạn hormone tuyến cận giáp do bệnh thận gây ngứa, khô da, tích tụ nốt canxi trên da, làm giảm chất lượng cuộc sống và thể lực của người bệnh.
Bác sĩ Tuấn Hùng khuyến cáo người có tiền sử gia đình bị suy thận hoặc bản thân mắc bệnh đái tháo đường, huyết áp cao cần xét nghiệm bệnh thận hàng năm. Nên đi khám tại các cơ sở y tế để được làm thêm các xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác.
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp và bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, cần tuân thủ khám định kỳ để đánh giá chức năng thận cùng các cơ quan khác, tự theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày. Kết hợp lựa chọn chế độ ăn phù hợp và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học giúp điều trị, phòng ngừa bệnh.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |