Tại Hà Nội, theo kế hoạch của TP, huyện Mê Linh tiến hành đấu giá đợt 2 cho Khu Đồng Trước, xã Liên Mạc vào tháng 9 trên diện tích tổng của khu đất 7,5 ha.
Trong tháng 10, huyện cũng sẽ tiếp tục đấu giá Điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh với diện tích 0,9 ha.
Tại Sóc Sơn, địa phương sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 50 lô đất đấu giá tại 2 khu vực. Trong đó, 28 lô đất tại thôn Tân Thái với diện tích từ 95 – 194,4m2 có mức giá dao động khoảng 7,4 – 13,4 triệu đồng/m2; 22 lô đất tại thôn Dược Thượng với diện tích các lô đất đấu giá là 89 – 200m2, với mức giá khởi điềm từ 45 – 49,7 triệu đồng/m2.
Từ đầu năm, Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và nhiều địa phương khác liên tục tổ chức đấu giá đất
Đông Anh cũng là khu vực vùng ven Hà Nội có nguồn cung đất đấu giá dồi dào trong tháng 9. Cụ thể, 11 lô đất đấu giá tại Tàm Xá với diện tích từ 75-144 m2 sẽ được đấu giá với mức giá từ 43 - 50 triệu đồng/m2.
Điều đáng nói, có nhiều nơi từng tổ chức đấu giá nhiều lần vẫn không thành công. Đơn cử, tại khu đất đấu giá trên địa bàn huyện Hoài Đức đã 3 lần được thông báo tổ chức đấu giá, với mức giá khởi điểm là 60,9 triệu đồng/m2, nhưng không có nhà đầu tư tham gia nên không thể đấu giá thành công.
Đây là thực trạng không chỉ diễn ra tại Hoài Đức, Hà Nội, mà còn diễn ra tại một số địa phương khác, gây khó trong việc tăng nguồn thu ngân sách.
Thực trạng này trái ngược với khung cảnh tấp nập tại các buổi đấu giá đất cách đây khoảng 2 năm trước. Đại diện địa phương lý giải, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm lại được đưa ra từ cuối năm 2022, dựa trên mức trúng đấu giá của phiên đấu giá trước, thời điểm thị trường vẫn sôi động nên không còn phù hợp với thị trường. Mặc dù địa phương muốn đưa giá khởi điểm về mức thấp hơn, nhưng chưa có quy định cụ thể để thực hiện.
Liên quan đến việc đấu giá đất, UBND TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt mức thấp so với kế hoạch.
Trong đó, TP đã tổ chức 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với 37 phiên đấu giá thành công, 28 phiên đấu giá không thành. Theo kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm. Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự linh hoạt hơn về mức giá khởi điểm, để gỡ khó cho các địa phương.
Tại Bắc Giang, hàng nghìn lô đất cũng được địa phương tổ chức đấu giá chia làm nhiều lượt
Tình trạng “ế ẩm” không chỉ diễn ra trong các buổi đấu giá đất tại Hà Nội, mà tại nhiều tỉnh lân cận trong các phiên đấu giá hầu như chỉ có các sàn giao dịch và nhân viên môi giới, hoàn toàn vắng bóng người dân có nhu cầu thực.
Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang,... hàng chục phiên đấu giá đất đã được tổ chức đều đặn trở lại trong những ngày gần đây.
So với giá đất năm 2020, giá khởi điểm tại các cuộc đấu giá của địa phương đã được điều chỉnh giảm, dao động từ 10 - 14 triệu đồng/m2, tùy khu vực.
Mặc dù vậy, những người tham gia đấu giá đa số là người của các sàn giao dịch và môi giới chứ không có bóng dáng người mua có nhu cầu ở thực.
Anh Nguyễn Thái Hùng – một “thợ đất” tại Bắc Giang cho hay, hiện nay nguồn cung đất đấu giá khá dồi dào nhưng sức cầu lại kém. Tại các buổi đấu giá, người tham gia đấu giá chủ yếu là dân đầu tư, họ đưa ra mức giá cao, sau khi trúng thì rao bán luôn kiếm lời, nếu không bán được sẽ chấp nhận bỏ cọc.
Bóng dáng thợ đất bán "lướt sóng" sau các buổi đấu giá đất
“Mỗi lô đất sau khi trúng thầu họ tìm cách bán sang tay luôn, chênh mỏng chỉ từ 20 triệu – 70 triệu/lô. Nếu không có người mua lại, rất nhiều người sau đó bỏ cọc chứ không vào tiền” – anh Hùng thông tin.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kéo giá trong khu vực không còn là điều mới. Nhiều người tham gia đấu giá chủ yếu là những người muốn đầu cơ kiếm lời, trong khi nhu cầu thực tế của người mua nhà rất ít.
Ông Điệp cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp như hiện nay, việc lướt sóng để bán với giá chênh lệch rất khó, do đó, các nhà đầu tư cũng không còn tham gia nhiều như trước. Mức giá trước đây thường phải cao hơn khá nhiều so với giá khởi điểm mới trúng thầu, nhưng hiện nay, chênh lệch giá chỉ cần 5 - 10%.