Đất quê đắt hơn vàng
Vào trung tuần tháng 9/2021, tại thôn Yên Bình, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tổ chức đấu giá 18 lô đất đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia. Kết quả đấu giá thành công 100% lô đất với tổng số tiền thu về gần 17,5 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm 7 tỷ đồng. Đặc biệt, có những lô đất giá khởi điểm 685 triệu đồng được đấu lên tới gần 1,3 tỷ đồng. Nhiều lô cũng vượt giá từ 400-500 triệu đồng.
Người dân thôn Yên Bình rất ngỡ ngàng không hiểu vì sao giá đất nơi đây bỗng trở nên đắt đỏ, trở thành “đất vàng”, thu hút nhiều nhà đầu tư đất khắp nơi đổ về.
Một khu đất tại huyện Yên Dũng(Bắc Giang) được tổ chức đấu giá đất năm 2020 (ảnh: BGO). |
Theo lãnh đạo xã Quang Lộc, mức giá đấu vừa qua đối với đất ở vùng nông thôn đạt cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong khi đó, khu quy hoạch đất ở này không nằm gần chợ, trường học hay trung tâm hành chính xã, cũng chưa thấy có dự án nào sẽ triển khai nhưng không hiểu sao lại được giới đầu tư bất động sản quan tâm đến thế.
Cũng sau đó mấy ngày tại Hà Tĩnh, tại khu quy hoạch dân cư đồng Le Le xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) đã tổ chức đấu giá thành công 8 lô đất, thu về hơn 18,716 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng.
Điều đáng nói, chỉ có 8 lô đất nhưng có gần 200 hồ sơ tham gia đấu giá. Các lô đất đấu giá đều cao gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm. Trong đó có những lô giá khởi điểm hơn 500 triệu đồng, nhưng đã được đấu giá thành công hơn 2 tỷ đồng.
Không riêng gì Hà Tĩnh, tại Nghệ An trước đó vào cuối tháng 3/2021, tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá 32 lô đất với giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô. Sau khi đấu giá, giá đất đã được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, thậm chí có lô đất giá khởi điểm trên 700 triệu đồng nhưng các đối tượng lại đẩy lên trên 2 tỷ đồng.
Còn tại Bắc Giang, cuối tháng 9/2021, đã diễn ra phiên đấu giá đất ở thuộc dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh. Theo đó, có 36 lô đất được đưa ra đấu giá với diện tích 3.212 m2.
Các lô có diện tích dao động từ 81 đến hơn 150 m2, có giá khởi điểm từ 22-30 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của 36 lô đất là hơn 78 tỷ đồng. Trong đó lô thấp nhất có giá khởi điểm gần 1,8 tỷ đồng, lô cao nhất hơn 4,5 tỷ đồng.
Thật bất ngờ phiên đấu giá cho kết quả, cả 36 lô đều có khách hàng trả giá. Tổng tiền trúng đấu giá các lô đất gần 134 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm gần 56 tỷ đồng. Trong đó, lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2.
Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm. Đặc biệt có 2 lô có giá trúng chênh từ hơn 4,3 đến hơn 4,5 tỷ đồng/lô với diện tích tương ứng hơn 112- 126 m2.
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên, đây là một trong những phiên đấu giá của huyện từ đầu năm đến nay có mức giá chênh lệch so với giá khởi điểm rất cao.
Tương tự, cũng vào cuối tháng 9/2021, tại huyện Yên Thế đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng 74 lô đất ở thị trấn Phồn Xương. Tổng diện tích 74 lô đất hơn 10.000 m2 với giá khởi điểm hơn 185 tỷ đồng.
Kết quả, có 54 lô trúng đấu giá (giá khởi điểm tương ứng hơn 126,7 tỷ đồng) với tổng giá trị đấu trúng gần 158,5 tỷ đồng, chênh lên 31,7 tỷ đồng. Trong đó, 1 số lô sau đấu giá đã tăng lên gấp đôi so với giá khởi điểm đưa ra.
Nhiều người dân cho biết, nhiều năm sinh sống tại đây chưa khi nào họ nghĩ đất ở quê mình lại có giá hàng chục triệu đồng/m2.
Theo thống kê của Sở Tài chính Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay đã có 13 cuộc đấu giá đất đã diễn ra trên địa bàn các huyện, thành phố. Điểm nhấn đáng chú ý là giá các lô đất đều cao hơn so với mức trung bình những năm trước.
Đơn cử như phiên đấu giá đất tại thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế), nhiều lô đất đều được nhà đầu tư đẩy lên, trong đó có lô đạt mức hơn 60 triệu đồng/m2.
Đây được coi là “kỷ lục” tại địa phương vốn được xếp vào khu vực có thị trường bất động sản kém sôi động của tỉnh. Hay như tại huyện Yên Dũng, giá khởi điểm của các lô đất đưa ra đấu đều bằng 1,5 lần so với năm trước nhưng sức hút với nhà đầu tư vẫn không giảm.
Bỏ cọc chạy làng…
Giá đất sau khi đấu giá được đẩy lên gấp đôi, gấp ba khiến nhiều nhà đầu tư phải bỏ cọc chạy làng…
Tại các phiên đấu giá đất, người tham gia đấu giá phải đặt cọc, có nơi đặt ít thì 50 triệu đồng, nhưng cũng có nơi đặt 100 triệu đồng, thậm chí gần 300 triệu đồng mới được tham gia đấu giá.
Còn đợt đấu giá đất ở thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế, Bắc Giang), những người tham gia phải đặt cọc trước từ 100 đến 270 triệu đồng.
Mặc dù tiền đặt cọc khá cao song theo cơ quan chức năng cho biết, tình trạng bỏ cọc cũng tăng khi giao dịch không thành.
Đơn cử như tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), trong hai phiên đấu giá đến thời hạn thanh toán có đến 52 trường hợp bỏ cọc với tổng số tiền trúng đấu giá gần 100 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2020, huyện Yên Dũng có 5 lô đất đã trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.
Nhà đầu tư kéo nhau về đấu giá đất tại huyện Thọ Xuân vào đầu năm 2021 |
Được biết, vào quý 1/2021, Thanh Hóa là một trong những địa phương có hiện tượng "sốt" đất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản không được như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư “ôm đất” đấu giá bị hụt hơi, đành phải bỏ cọc, hủy giao dịch.
Hàng loạt địa phương ở Thanh Hóa đã phải hủy kết quả đấu giá đất do khách không nộp đủ số tiền trúng đấu giá. Cụ thể, mới đây, UBND huyện Quảng Xương đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 35 lô đất với lý do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định; UBND huyện Hoằng Hóa cũng đã ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là do đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.
Tại huyện Thọ Xuân, vào tháng 4, chính quyền cũng phải hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất tại khu dân cư Đông Vũng Cao, xã Xuân Sinh vì các nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền và thực hiện các thủ tục theo quy định, chịu mất tiền đặt cọc.
Tại Nghệ An, đợt đấu giá 32 lô đất ở xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An) có giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng và trong phiên đấu giá có tới trên 200 hồ sơ tham gia.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nhân Thành cho biết, giá đất qua phiên đấu giá đất được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, tùy lô. Tuy nhiên đã quá thời hạn nộp tiền trúng đấu giá đất nhưng chỉ mới có 18/32 lô đất hoàn thành nên xã đã trình cấp có thẩm quyền xin hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại.
Tương tự, vào tháng 4/2021, ở xã Mã Thành cũng đấu giá đất được 36 lô, đến thời hạn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với các lô đất trúng đấu giá, tuy nhiên chỉ có 12/36 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, còn lại chấp nhận bỏ cọc.
Thông tin trên báo Nghệ An, ông Bùi Trọng Long, Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành chia sẻ: Nguyên nhân bỏ cọc cả trăm triệu đồng "tháo chạy" khỏi lô đất trúng đấu giá là do một số đối tượng đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao, sau đó không bán lại được; có lô đất giá khởi điểm trên 700 triệu đồng nhưng các đối tượng lại đẩy lên trên 2 tỷ đồng.