Theo dữ liệu Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến đất nền vào 2 quý cuối năm 2023 chỉ đạt 44% lực cầu ở thời kỳ sốt đất năm 2021 nhưng sang đến quý I/2024 đã tăng lên mức 48%. Điều này cho thấy thị trường phân khúc này đã bắt đầu có dấu hiệu "rã băng".
Tương tự, theo Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng "đột biến", nhất là những lô đất đã tách thửa. Xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn" đất ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.
Đất nền vùng ven Hà Nội đã tăng giá trở lại tại một số khu vực
Tuy mức giá giao dịch thành công đất nền giảm 20-30% so với đỉnh sốt nhưng đã đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm giá. So với quý IV/2023 giá đã tăng khoảng 5%, riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền với khu công nghiệp ghi nhận mức tăng 10-20%.
Cũng theo khảo sát của phóng viên, tính từ cuối quý 1 và đầu quý 2 đến nay, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như: Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức, Sóc Sơn tăng từ 1,7-2 lần so với quý I/2023.
Ông Nguyễn Trọng Đức - môi giới nhà đất ở huyện Thạch Thất, cho hay, kể từ sau Tết khá nhiều khách từ Hà Nội đổ về tìm mua đất nền và đất phân lô trên địa bàn. Giá đất nền ở thôn Bãi Dài (xã Tiến Xuân) vẫn đang tăng với giá bán hiện tại khoảng 27 - 35 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Có những lô vị trí đẹp, đường to thì có giá cao hơn nữa.
Song bên cạnh đó, nhiều khu vực từng là điểm nóng của hiện tượng phân lô bán nền thì vẫn "đắp chiếu" hàng năm nay không có người hỏi mua.
Nhiều khu đất phân lô với đủ loại diện tích khác nhau ở ngoại thành để hoang, thành nơi chăn thả trâu bò, quây tôn làm nhà xưởng, để vật liệu xây dựng,… là thực trạng tại nhiều khu vực từng là "điểm nóng" phân lô bán nền.
Song vẫn còn hàng loạt lô đất trong tình trạng "đắp chiếu"
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc một công ty BĐS cho rằng, sau khi chung cư ở phía Bắc tăng giá trên 10% sau 6 tháng vừa qua sẽ kéo theo phân khúc đất nền tăng cùng bởi các sản phẩm bất động sản trên có tác động tương tác lẫn nhau.
"Thời gian gần đây, chúng ta đã thấy đất nền quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận Thủ đô có tính thanh khoản được cải thiện rõ ràng", ông Quyết chia sẻ.
Thực tế, đất nền đã bắt đầu "nóng" trở lại. Sở dĩ vậy, các chuyên gia cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến giá và các giao dịch đất nền tăng trong thời gian qua.
Thứ nhất, lãi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang duy trì ở mức thấp, nhiều người dân bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận tốt hơn, trong đó có bất động sản.
Thứ hai, giá đất nền đã có sự điều chỉnh ở một số khu vực khiến nhà đầu tư cân nhắc đến việc tham gia thị trường. Ví dụ nhiều tỉnh phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Đồng Nai chứng kiến mặt bằng giá rao bán đất nền hiện tại giảm từ 12-19% so với đầu năm 2023.
Thứ ba, là làn sóng đón đầu thay đổi của ba bộ luật mới về bất động sản. Trong đó, quy định siết chặt về phân lô đất nền đang là một điểm nóng dự báo nguồn cung đất nền phân lô sẽ giảm rất mạnh sau 2025. Trong khi nhu cầu về đất nền thì khó mà đi xuống trong dài hạn vì tâm ý người Việt vẫn rất chuộng loại hình này.
Đánh giá về thị trường đất nền từ đầu năm tới nay, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc một công ty BĐS khác tại Hà Nội cũng cho rằng, giao dịch đất nền Hà Nội bắt đầu có nhích nhẹ, song mức giá vẫn đang neo cao. Đối với những khu vực cắt lỗ thì đa phần vẫn phải cắt, tuy nhiên tỷ lệ cắt lỗ đã giảm, thay vì 30 - 40% như trước giờ chỉ khoảng 20%.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, từ quý I đến hết quý III/2024 xuất hiện “điểm đảo chiều” của thị trường bất động sản, khi những dấu hiệu tiêu cực đã dần hạn chế, mức độ quan tâm đến các loại hình nhà đất ngừng đà giảm sâu.
Đặc biệt, vị này dự báo, thị trường sẽ khởi sắc từ quý II/2025 với tâm lý của nhà đầu tư tự tin vào kinh tế và mức lợi suất, lúc này, sản phẩm đất nền, biệt thự sẽ được quan tâm. Từ đầu năm 2026 là giai đoạn ổn định của ngành bất động sản và ghi nhận sự trở lại/xuất hiện của nhiều loại hình đa dạng.