Dinh dưỡng

Đặt cược mạng sống vào "phòng mạch" TikTok

Tóm tắt:
  • Một người đàn ông 37 tuổi đã suy kiệt sau khi dùng "thuốc chữa ung thư gan" không được kiểm chứng.
  • Gia đình từ chối phương pháp điều trị y khoa và chọn liệu pháp quảng cáo trên mạng xã hội.
  • Nhiều bệnh nhân ung thư khác cũng trở thành nạn nhân của các quảng cáo chữa bệnh phản khoa học.
  • Mặc dù tỷ lệ tử vong do ung thư giảm, việc tin tưởng bác sĩ và tuân theo phác đồ điều trị là điều cần thiết.
  • Để chữa khỏi ung thư, phát hiện sớm và điều trị đúng cách là yếu tố then chốt.

"Đây là trường hợp đáng tiếc vì đặt cược sức khỏe vào những quảng cáo y học chưa được kiểm chứng, để rồi bệnh diễn tiến nặng, không còn phương án điều trị", bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ ngày 10/4.

Bệnh nhân phát hiện ung thư gan từ đầu năm 2025, được bác sĩ khuyến nghị điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ do tiên lượng không khả quan. Tuy nhiên, gia đình từ chối, quyết định đưa người bệnh về nhà điều trị theo liệu pháp được quảng cáo trên mạng xã hội. Người bán quảng cáo loại "thuốc có khả năng tiêu khối u, kéo dài sự sống" với chi phí vài chục triệu đồng. Sau hai tuần, bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì suy gan nặng. Lúc này mọi nỗ lực từ bác sĩ đều không mang lại kết quả.

"Chứng kiến nỗi hối hận của người thân bệnh nhân, tôi thực sự đau lòng. Nhưng đây là kết cục khó tránh, khi người bệnh tự biến mình thành nạn nhân của những lời hứa vô căn cứ", bác sĩ Tỵ nói.

Không chỉ trường hợp trên, nhiều bệnh nhân ung thư khác cũng trở thành "con mồi" của các quảng cáo chữa bệnh phản khoa học. Một phụ nữ 40 tuổi mắc ung thư vú bỏ điều trị, tự uống nước lá đu đủ và nước măng tây – phương pháp chị tìm thấy trên mạng xã hội với lời khẳng định "giúp tiêu khối u tự nhiên". Hai tháng sau, khi khối u vỡ loét, đau đớn không chịu nổi, bệnh nhân quay lại bệnh viện. Lúc đó, các bác sĩ chỉ có thể áp dụng chăm sóc giảm nhẹ, giúp chị vượt qua những ngày cuối đời trong bớt đau đớn.

Trường hợp nam 47 tuổi, mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn, cũng từ chối hóa trị theo lời khuyên của bác sĩ Bệnh viện K. Thay vào đó, ông về nhà uống nước kiềm với hy vọng nâng cao sức đề kháng, thải độc và thu nhỏ khối u – liệu pháp được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Chỉ ba tuần sau, bệnh nhân rơi vào suy kiệt nghiêm trọng và qua đời.

"Đây là lựa chọn và đức tin của bệnh nhân, rất khó để thuyết phục nếu họ đã không tin tưởng bác sĩ ngay từ đầu", bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, chia sẻ.

Bác sĩ Tỵ

Bác sĩ Tỵ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ước tính hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư. Số bệnh nhân có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2018 ghi nhận 165.000 bệnh nhân mới, năm 2020 con số này là 182.000, số tử vong 122.690 trường hợp. Theo đó, ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

Khi nghe tin mình hoặc người thân mắc ung thư, không ít người tìm đến các phương pháp chữa trị "phép màu" trên mạng để thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng. Nhiều người sợ hãi tác dụng phụ của hóa trị, lo phẫu thuật sẽ khiến khối u lây lan, từ đó mù quáng tin vào những lời quảng cáo phi khoa học. Thực tế, chưa từng có nghiên cứu y học nào chứng minh thuốc nam, thực dưỡng hay các chế độ ăn kiềm hóa có thể chữa khỏi ung thư.

Đặc biệt, mạng xã hội như TikTok, đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng sự cả tin của người bệnh. Bằng những video ngắn, các "lang băm online" mặc áo blouse để tạo niềm tin, quảng bá phương pháp như nhịn ăn để chữa ung thư hoặc dùng thực phẩm kiềm hóa máu để làm tan khối u. Những tuyên bố giật gân này thu hút hàng nghìn lượt xem, chia sẻ nhưng lại đẩy không ít người vào con đường nguy hiểm. Hiện chưa có thống kê cụ thể số bệnh nhân trở thành nạn nhân của kiểu chữa bệnh "truyền miệng" trên TikTok, nhưng thực tế tại các bệnh viện ung bướu cho thấy tình trạng này ngày càng gia tăng

"Hầu hết bệnh nhân chỉ quay lại cầu cứu bác sĩ khi mọi cơ hội điều trị đã mất, với cái giá phải trả là sinh mạng", bác sĩ Tỵ nói.

Trong khi đó, tiến bộ y học ngày nay đã mở ra hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân ung thư. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ung thư Mỹ (NCI), tỷ lệ tử vong do ung thư đã giảm gần 30% từ năm 1991 đến nay, nhờ vào các phương pháp điều trị tiên tiến và việc tầm soát sớm. Tại Việt Nam, tỷ lệ chữa khỏi ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến hoặc đại tràng vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhưng để đạt được điều này, điều kiện tiên quyết là người bệnh phải tin tưởng bác sĩ và tuân theo phác đồ điều trị.

"Ung thư phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi hoàn toàn", bác sĩ nói, thêm rằng người bệnh nên sáng suốt, có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được điều trị tốt nhất.

Các tin khác

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Cuối tuần này sẽ được ngắm "Trăng Hồng" đặc biệt

Tối 12/4, người yêu thích ngắm trăng sẽ được thưởng thức kỳ trăng tròn được gọi là “Trăng Hồng”, hay còn gọi là “ Trăng Phục sinh”. 'Trăng Hồng' tròn đầy sẽ mọc cùng với Spica, một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm.