Nội dung chính:
- Danh y Hoa Đà coi tỏi là kho báu quý giá cho sức khỏe.
- Sai lầm khi dùng tỏi.
- Lưu ý khi dùng tỏi.
Danh y Hoa Đà là 1 trong 4 nhân vật nổi tiếng trong Đông y của Trung Quốc. Ông đã đúc kết được 38 bí quyết giữ gìn sức khỏe, những bí quyến này từng được xem là "phương châm sống thọ" của rất nhiều người.
Một trong những bí quyết đầu tiên được Hoa Đà nhắc tới là việc sử dụng tỏi. Ông viết: “Tỏi là một kho báu quý giá, ăn chúng thường xuyên sẽ rất tốt sức khỏe”.
PGS.TS BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Đại học Y Dược TP. HCM cho hay, tỏi là gia vị phổ biến trong nấu ăn. Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới nói về hiệu quả của tỏi. Thành phần chủ yếu của tỏi là chất kháng sinh allicin và hợp chất sunfua, có tác dụng diệt khuẩn mạnh, tăng cường miễn dịch, giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng, cảm cúm.
Theo phó giáo sư Niên, tỏi là nguyên liệu tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, hiện nay nhiều người Việt lại đang dùng sai cách, làm giảm giá trị dinh dưỡng của tỏi.
Sai lầm khi dùng tỏi
Nấu chín tỏi
Sai lầm đầu tiên nhiều người gặp phải là phi thơm, nấu chín tỏi. Cách chế biến này sẽ làm mất đi tác dụng của tỏi.
Phó giáo sư Niên chia sẻ nghiên cứu đánh giá rằng dùng tỏi tươi sẽ bảo tồn được các chất có lợi trong tỏi. Khi chế biến ở nhiệt độ cao, các thành phần có lợi trong tỏi sẽ bị phá hủy và làm giảm các tác dụng của tỏi.
Để tối ưu lợi ích từ tỏi, phó giáo sư Niên cho rằng mọi người nên dùng ở dạng thô (ăn sống).
Ngâm giấm tỏi
Theo phó giáo sư Niên, việc ngâm giấm tỏi cũng làm mất đi giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này. Trong trường hợp này, tỏi phải tiếp xúc với môi trường giấm trong thời gian dài, khiến thành phần và giá trị dinh dưỡng của tỏi bị thay đổi, như vậy lợi ích của tỏi với sức khỏe cũng bị giảm theo.
Tuy nhiên, phó giáo sư Niên cũng nói thêm: “Khi chế biến thực phẩm, ngoài vấn đề sức khỏe thì còn có yếu tố ngon miệng. Do vậy, việc sử dụng tỏi theo cách nào là phụ thuộc vào từng cá nhân và mục đích sử dụng của mỗi người”.
Lưu ý khi dùng tỏi
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), thêm tỏi vào thức ăn vừa có thể tăng thêm hương vị, vừa giúp cơ thể bổ sung các chất có lợi, giúp cơ thể chống lại các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm hiệu quả hơn. Chuyên gia cho biết khi dùng tỏi, mọi người nên đập dập hoặc băm nhỏ trước khi sử dụng. Cách làm này sẽ giúp giải phóng các chất có lợi trong tỏi.
Bác sĩ Vũ lưu ý thêm bệnh nhân có chứng âm hư, nội nhiệt, thai sản, đậu trẩn, đau mắt, đau răng, đau cổ, đau lưỡi không nên dùng tỏi.
Ngoài ra, mọi người cũng không nên dùng tỏi khi bụng đói vì chất allicin trong tỏi có thể gây rát dạ dày.
“Do tỏi có vị cay, tính nóng, người mắc các bệnh về gan khi ăn nhiều tỏi sẽ dễ bị kích thích mạnh, khiến tình trạng nóng gan trở nặng, nếu kéo dài có thể dẫn đến tổn thương gan”, bác sĩ Vũ nói.
Bên cạnh đó, người có bệnh lý huyết áp thấp cũng không nên ăn tỏi vì có nguy cơ hạ huyết áp. Người đang bị tiêu chảy cũng không ăn tỏi vì allicin trong tỏi làm tăng kích thích thành ruột, nghẽn mạch máu, phù nề.
Cuối cùng, bác sĩ Vũ lưu ý mọi người chỉ nên dùng tỏi như một loại gia vị bổ sung, giúp tăng hương vị cho món ăn và không lạm dụng tỏi để tránh gây hại cho sức khỏe.