CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (DOJI) mới đây đã có báo cáo về tình hình tài chính năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này trong năm ngoái đạt hơn 491 tỷ đồng, giảm 52% so với năm 2022 nhưng vẫn cao thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này lãi hơn 1,34 tỷ đồng, giảm một nửa so với 2022.
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt hơn 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm 2023 là 2,35 lần, cao hơn so với mức 1,95 lần vào cuối năm 2022. Ước tính theo hai số liệu trên, nợ phải trả và tổng tài sản của DOJI tại thời điểm 31/12/2023 đạt lần lượt 15.851 tỷ đồng và 22.596 tỷ đồng, tăng 27% và 20% so với cuối năm trước.
Đáng chú ý, DOJI đã không còn nợ trái phiếu tại thời điểm 31/12/2023. Trước đó, trong giai đoạn 2020 – 2021, DOJI từng phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị ban đầu là 2.850 tỷ đồng cùng lãi suất dao động 8,75 – 9,5%/năm. Đây là kết quả của việc DOJI tích cực mua lại trước hạn trái phiếu trong năm 2022 – 2023.
Lợi nhuận DOJI giảm trong khi giá vàng tăng mạnh trong cuối năm ngoái và tiếp tục nối dài đà tăng trong đầu năm 2024. Vàng miếng SJC chốt phiên cuối năm 2023 ở 74 triệu đồng mỗi lượng, tăng khoảng 7 triệu so với đầu năm. Trong khi giá vàng nhẫn 24k tăng khoảng 10 triệu đồng lên 63 triệu đồng/lượng.
Trước DOJI, một đơn vị kinh doanh vàng bạc khác là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã báo lãi khủng trong năm 2023. Theo đó, PNJ kết thúc năm 2023 với lợi nhuận sau thuế 1.971 tỷ đồng – mức lãi cao nhất trong 35 năm hoạt động. So với đối thủ PNJ, lợi nhuận năm 2023 của DOJI chỉ bằng 1/4.