Doanh nghiệp

Đại gia bán lẻ mỹ phẩm Sephora thâm nhập Việt Nam

Nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora vừa xác nhận đã vận hành cửa hàng thương mại điện tử dành cho thị trường Việt Nam tại website của công ty, sau 5 tháng vận hành thử nghiệm.

Người tiêu dùng tại Việt Nam có thể mua trực tiếp sản phẩm từ nhà bán lẻ này và hưởng chính sách vận chuyển xuyên biên giới về Việt Nam, điều mà trước đây không thể thực hiện được. Đơn hàng sẽ được chuyển phát từ kho tại Singapore đến địa chỉ người nhận mà không cần thông qua bên trung gian. Trên cửa hàng này, tất cả nội dung đã được Việt hóa, cung cấp hơn 70 thương hiệu mỹ phẩm quốc tế.

Một giao diện bán hàng được Việt hóa của Sephora. Ảnh chụp màn hình

Một giao diện bán hàng được Việt hóa của Sephora. Ảnh chụp màn hình

Báo cáo của Statista dự báo, doanh thu thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp Việt Nam năm 2021 ước khoảng 2,3 tỷ USD và tăng trưởng với tốc độ hàng năm 5,9% đến 2025. Riêng năm nay, quy mô thị trường có thể đạt 2,45 tỷ USD.

Cũng theo đơn vị này, Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trung lưu tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Khi người dân cải thiện thu nhập, nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng khác nhau, đặc biệt là với mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc cá nhân sẽ gia tăng.

"Doanh thu của thị trường sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam giảm nhẹ vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch nhưng dự báo sẽ tăng trưởng trở lại khi người tiêu dùng lấy lại niềm tin để chi tiêu", báo cáo cho hay.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2020 cũng của Statista, khoảng 30% phụ nữ Việt Nam trang điểm hàng ngày, trong đó son môi là mặt hàng phổ biến nhất. Phụ nữ Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc chăm sóc làn da của mình, do đó thói quen chăm sóc da với nhiều bước và sản phẩm khá phổ biến. Sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ là một trong những sản phẩm chăm sóc da được chuộng nhất. Chi tiêu cho đồ trang điểm trung bình của phụ nữ Việt dao động 300.000-500.000 đồng, và cho sản phẩm chăm sóc da là 200.000 - 300.000 đồng mỗi năm.

Việc kinh doanh mỹ phẩm qua thương mại điện tử đã và đang mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Mỹ phẩm liên tục nằm trong danh sách mua sắm trực tuyến hàng đầu, đặc biệt là đối với người tiêu dùng thành thị.

Tỷ trọng giá trị thương mại điện tử của sản phẩm chăm sóc cá nhân ở các khu vực thành thị của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2018. Khi ngày càng có nhiều người thoải mái mua sắm các mặt hàng này trực tuyến, các thương hiệu cũng đã tìm cách đẩy mạnh kênh online.

Ví dụ, livestream để bán mỹ phẩm đang trở thành một trào lưu ở Việt Nam. Ngoài ra, việc sử dụng các kênh trực tuyến để mua sắm của người dân ở Việt Nam đã tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch.

Bản thân Sephora cũng xác nhận Việt Nam là một trong các quốc gia châu Á có lượng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các giải pháp làm đẹp uy tín và chất lượng, thể hiện qua lượt truy cập thường xuyên vào website của họ tại Singapore, Mỹ và các website khác. Đây cũng có thể là một phần lý do hãng muốn tiếp cận thị trường này qua kênh online trước để thăm dò phản ứng.

Sephora thành lập tại Pháp cách đây gần 50 năm. Ngày nay hệ thống bán lẻ mỹ phẩm này thuộc sở hữu của LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton. Năm 2008, Sephora ra mắt thị trường Đông Nam Á bằng việc khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Singapore. Chỉ riêng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ và Indonesia, họ có hơn 100 cửa hàng.

Năm 2015, Sephora mua lại Luxola, một startup bán mỹ phẩm online của Singapore, với tầm nhìn xây dựng các cửa hàng thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Tháng 10/2021, họ tăng cường sự hiện diện tại 8 thị trường mới bao gồm Đài Loan, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Lào, Sri Lanka, Myanmar và Brunei, thông qua kênh thương mại điện tử. Hiện Sephora chưa chia sẻ thông tin về kế hoạch mở cửa hàng vật lý tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm