Doanh nghiệp

Đại diện Khu Công nghệ cao Tp.HCM: "Làm sao để xây được nền công nghiệp tự chủ?"

"Việt Nam không thể có nền kinh tế độc lập, tự chủ nếu không xây dựng được nền công nghiệp tự chủ”, chia sẻ của ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM - bên lề lễ bế giảng khoá đào tạo giảng viên của trung tâm thiết kế vi mạch khu công nghệ cao.

Được biết, vi mạch bán dẫn có tốc độ phát triển từ 7-9% mỗi năm được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, 5G, Big Data…

Vài năm trở lại đây, công nghiệp chip bán dẫn của các nước được đầu tư hàng tỷ USD. Đơn cử, tháng 8/2022 Mỹ đã phân bổ 50 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa của Mỹ; hay EU cũng đã phân bổ 49 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào châu Á; Nhật Bản chi 5,2 tỷ USD tài trợ các nhà máy chip….

Tại Việt Nam, phát triển ngành vi mạch bán dẫn được Trung ương và Tp.HCM đặc biệt quan tâm từ cách đây gần 20 năm. Cụ thể theo ông Thi, Tp.HCM phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, Tp.HCM là nơi tập trung chủ yếu doanh nghiệp và nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam (hơn 80%).

Còn tại Khu công nghệ cao, bên cạnh các doanh nghiệp làm về thiết kế vi mạch như SNST Finger&ADT Technology (Hàn Quốc), Microchip (Hoa kỳ)... có các doanh nghiệp làm về đóng gói như Intel (Hoa kỳ), OIEC (Việt Nam) hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị ngành vi mạch, bán dẫn.

Với vị thế địa chính trị - kinh tế của mình thì Việt Nam đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ “trăm năm có một này” Việt Nam phải có những đột phá về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế. Trong đó, quan trọng hơn hết là phát triển nguồn nhân lực.

“Chúng ta phải đi từ trên xuống để đi nhanh. Tức, phải tận dụng được nhân lực chuyên gia nước ngoài để đẩy nhanh việc chuyển giao tri thức công nghệ cũng như nhanh chóng cải thiện năng lực chuyên gia trong nước. Và việc đào tạo giảng viên là bước đẩy nhanh hơn nữa quá trình nâng cao năng lực nhân sự vi bán dẫn nói trên”, ông Thi nhấn mạnh.

Do đó, ngày 26/8/2022, SHTP đã ký kết hợp tác với Synopsys hợp tác thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center (SCDC) hướng đến cung cấp các dịch vụ: (1) cung cấp li-xăng các phần mềm thiết kế của Synopsys đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (VPN), (2) tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho giảng viên, (3)tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch, (4) cung cấp dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp tape-out các thiết kế; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Ngày 22/10/2022, SCDC đã chính thức đi vào hoạt động với cơ sở vật chất ban đầu được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do các doanh nghiệp thuộc Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tài trợ. SHTP Training cũng phối hợp cùng Synopsys đã khai giảng khóa đào tạo Giảng viên (Trainning of Trainers - ToT) đầu tiên của SCDC, với sự tham gia của 24 giảng viên nguồn trong đào tạo Thiết kế vi mạch từ các trường đại học, cơ sở đào tạo. Thông qua khóa đào tạo của SCDC, các giảng viên được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này. Bên cạnh đó, 3 trường thành viên của SCDC được hỗ trợ thiết lập mạng riêng ảo để kết nối công cụ phần mềm của Synopsys phục vụ triển khai giảng dạy trực tiếp tại trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm