Theo hàng tin Bloomberg, thị bò và lợn trong hàng thập kỷ đã là nguồn dinh dưỡng ưa thích của nhiều chuỗi phân phối thực phẩm cũng như siêu thị. Thế nhưng trong hơn 10 năm qua, thịt gà đã soán ngôi vương để trở thành nguồn protein số 1 thế giới và tình trạng này tiếp tục tăng nhanh thời lạm phát.
Năm 2022, tổng mức tiêu thụ thịt gà đã lên đến 98 triệu tấn, cao gấp đôi so với thời năm 1999. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt gà cao gấp 3 lần so với thịt lợn và 10 lần so với thịt bò. Tính đến năm 2030, thịt gà sẽ chiếm 41% tổng lượng thịt tiêu thụ trên toàn thế giới.
Lên ngôi vương
Hãng tin Bloomberg nhận định nhờ những công nghệ cải tiến vượt bậc trong nông nghiệp mà chi phí chăn nuôi gà đã giảm mạnh trong nhiều năm. Bình quân mỗi con gà công nghiệp hiện nay chỉ cần tốn khoảng 6 tuần kể từ lúc nở là có thể đem đi thịt. Trong khoảng thời gian đó, các trang trại có thể vỗ béo chúng với tốc độ không tưởng.
"Chúng ta có thể tăng trọng lượng mỗi chú gà công nghiệp và rút ngắn thời gian chăn nuôi để lấy thịt nhanh nhất, nhiều nhất. Nhiều chuyên gia cũng lo lắng về giới hạn sinh học của việc này nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy có vấn đề gì cả", chuyên gia kinh tế nông nghiệp Jayson Lusk của trường đại học Purdue University nhận định.
Bên cạnh đó, lạm phát đang khiến thịt gà ngày càng trở thành món ăn ưa thích từ Brazil cho đến Trung Quốc khi giá thịt bò-lợn tăng cao chóng mặt. Sự khủng hoảng của chuỗi cung ứng thịt do đại dịch, dịch tả lợn Châu Phi hay xung đột Ukraine càng khiến thịt gà giá rẻ trở nên hấp dẫn trong mắt mọi người.
Thậm chí, kiểu chăn nuôi thúc ép tăng trọng đã khiến các cơ quan sinh học của những chú gà công nghiệp không theo kịp, dẫn đến chúng có sức đề kháng kém trước những dịch bệnh như cúm gia cầm.
Bất chấp điều đó, các trang trại vẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi tăng trọng nhanh, qua đó giúp tỷ lệ chi phí trên tổng sản lượng gia cầm hiện nay giảm 1/3 so với 30 năm trước đây.
"Người nông dân vẫn chưa tìm ra biện pháp chăn nuôi có hiệu quả tương xứng với những động vật khác, nhờ đó thịt gà trở thành sản phẩm kinh tế nhất của ngành", chuyên gia Tai Lin của Proterra Asia nhận định.
Bất chấp gia tăng sản lượng nhờ chế độ nuôi công nghiệp, thịt gà vẫn đang không đáp ứng nổi nhu cầu ngày một tăng trên toàn cầu. Thậm chí các nhà hàng tại Mỹ còn phải cạnh tranh nhau về nguồn cung ứng thịt gà. Ví dụ chuỗi Wingstop tại Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt gà riêng để cung ứng cho các nhà hàng thuộc thương hiệu này.
Trong khi đó chuỗi nhà hàng Layne’s Chicken Fingers ở bang Texas-Mỹ thì đã bị nhà cung ứng thịt gà lớn nhất dừng cung hàng vì không đủ thịt gà. Nhà cung ứng duy nhất còn lại hiện nay cho hãng là Samir Wattar thì đã tăng giá thịt gà thêm 100%.
Dẫu vậy Chicken Fingers vẫn chấp nhận mua trữ hàng lượng lớn vì dự đoán giá gà sẽ còn tăng nữa với tình hình lạm phát cao nhất 40 năm tại Mỹ.
Tại Châu Á, thịt gà đang dần chiếm ngôi vương của thịt lợn truyền thống để trở thành nguồn protein chính trong các bữa ăn hay bữa tiệc, nhất là khi giới trẻ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Phương Tây rằng thịt gà tốt cho sức khỏe hơn bò hay lợn.
Thậm chí một số nhà hàng tại Trung Quốc đã loại bỏ thịt lợn khỏi thực đơn, điều khó tin nổi nếu quay ngược lại vài năm trước. Ví dụ như ở chuỗi nhà hàng Wagas chuyến ẩm thực dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, thực đơn của họ chỉ bao gồm thịt gà, salad, hải sản... nhưng tuyệt không có thịt lợn.
Tương tự, người dân Brazil cũng chuyển sang thịt gà khi lạm phát tăng mạnh khiến giá thịt bò trở nên đắt đỏ. Quốc gia xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới này đã tăng sản lượng thêm 4,5% lên mức cao kỷ lục để phục vụ xuất khẩu cũng như nhu cầu tăng cao trong nước.
Theo Bloomberg, từ Châu Âu cho đến Nam Phi hay Mexicos, nhu cầu thịt gà cũng tăng chóng mặt.
"Tôi không biết quốc gia nào mà không có thịt gà, đó là loại thực phẩm nằm trong top đầu của những nguồn protein mà con người tiêu thụ. Đầu tiên là gạo, tiếp đó sẽ là thịt gia cầm", đồng sáng lập Brett Stuart của hãng tư vấn Global AgriTrends nhấn mạnh.
Ngon và rẻ vẫn là số 1
Những người ủng hộ thịt gà cho rằng do chăn nuôi công nghiệp có vòng đời nhanh nên thịt gà thân thiện với môi trường hơn thịt bò, thải ít khí nhà kính cũng như hạn chế ô nhiễm đất, nước hơn so với chăn nuôi các loại động vật khác.
Một số nhà hàng đã chuyển sang thịt gà vì ý tưởng này nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu. Chuỗi nhà hàng bán mỳ-cà phê Panera Bread Co mới đây đã quảng bá thực đơn thân thiện với môi trường "Cool Food Meals", bao gồm loại thịt gà được chăn nuôi bởi tổ chức phi lợi nhuận "World Resources Institute".
Hãng cho biết đây là một phần trong chiến dịch loại bỏ khí thải nhà kính khỏi các món ăn nằm trong thực đơn từ nay đến năm 2050.
Hàng loạt các tập đoàn lớn như Aramak, Nestle cũng đã cam kết giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như thịt gà thay vì các loại thịt khác.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động xã hội vẫn chỉ trích việc dùng đậu nành nuôi gà đang dẫn đến hoạt động phá rừng ở Amazon nhằm cung ứng thức ăn chăn nuôi. Thậm chí nhiều nhà bảo vệ động vật cũng phản đối cơ chế chăn nuôi công nghiệp, ngược đãi loài gà.
Dẫu vậy, các công ty sản xuất thịt và những trang trại thì không quan tâm đến điều này khi nhu cầu thịt gà tăng cao đi kèm với lợi nhuận.
Theo Cooks Venture, một hãng chuyên sản xuất thịt gà cho biết giá cả và hương vị vẫn là yếu tố hàng đầu để người tiêu dùng lựa chọn nguồn Protein. Bởi vậy dù có bị chỉ trích thì chăn nuôi công nghiệp vẫn thu được lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay.
"Đầu tiên, người tiêu dùng muốn mua thực phẩm có hương vị ngon và giá cả hợp lý trước đã, còn chuyện thân thiện môi trường hay ngược đãi động vật đều trở thành thứ yếu", nhà sáng lập Matt Wadiak của Cook Venture nhận định.
*Nguồn: Bloomberg