Bất động sản

Đà Nẵng thu hồi nhiều dự án công nghiệp chậm triển khai

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý), từ những kết quả của việc kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, không triển khai, nhiều dự án bị nhắc nhở đã thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng và đến nay đi vào hoạt động sản xuất có hiệu quả.

Có thể kể đến như Công ty TNHH Thuận Phước với diện tích thuê đất 0,54ha; Công ty TNHH MTV Thường Thắng Đạt với diện tích thuê đất 1,5ha tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (quận Liên Chiểu)…

Tuy nhiên, cũng có một số dự án không triển khai theo đúng tiến độ, Ban Quản lý đã triển khai thu hồi đất và cấp cho nhà đầu tư khác triển khai như: thu hồi 1,18ha đất thuê của Công ty CP Xây dựng điện Vneco 6 để bố trí cho Công ty TNHH Đà Nẵng Telala tại KCN Hòa Khánh; thu hồi 4,36ha đất thuê của Công ty TNHH MTV Thủy tinh miền Trung để bố trí cho Công ty CP Thép Dana-Ý; thu hồi 4,05ha trong 7,52ha đất thuê của Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng để bố trí cho Công ty TNHH Daiwa Việt Nam…

Bên cạnh đó, còn một số dự án đã bị thu hồi đất và cấp cho nhà đầu tư khác triển khai dự án (hơn 20 ha) như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Khải Phát, Công ty Cổ phần Xây dựng điện Vneco 6, Công ty TNHH Một thành viên Thủy tinh Miền Trung, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Công ty TNHH Một thành viên An Khải Phát, Công ty Cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tây Ninh.

 Đà Nẵng thu hồi nhiều dự án công nghiệp chậm triển khai - Ảnh 1.

Từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý đã triển khai giải quyết 12 trường hợp dự án có hành vi vi phạm về quản lý đất đai.

 Ngoài ra, Ban quản lý đã phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính một số doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, xử lý các trường hợp doanh nghiệp tự ý cho thuê lại nhà xưởng không đúng quy định.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu CNC và các KCN TP. Đà Nẵng cho biết, Ban Quản lý đã kiểm tra, xử lý nhiều dự án công nghiệp chậm tiến độ, không triển khai, vi phạm về quản lý đất đai, vi phạm trong lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã triển khai giải quyết 12 trường hợp dự án có hành vi vi phạm về quản lý đất đai.

Theo ông Sơn, hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 90%. Riêng KCN Liên Chiểu còn đất để cung cấp cho các nhà đầu tư. Trong điều kiện quỹ đất tại KCN còn eo hẹp, Ban Quản lý đã tham mưu tích hợp quy hoạch các KCN vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đầu tư phát triển các KCN với diện tích khoảng 2.326ha, gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, Liên Chiểu; nâng cấp KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành KCN sinh thái; KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; hình thành mới các KCN: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh.

“Hiện Ban Quản lý đang tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư 3 KCN mới, song song với xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư hạ tầng, khai thác và quản lý các KCN mới hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại để phát huy hiệu quả quỹ đất”, ông Sơn thông tin.

Trước đó, tại buổi làm việc với Đảng ủy Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban quản lý Khu CNC và các KCN rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất thành phố kiên quyết xử lý dứt điểm, thu hồi các dự án chậm triển khai, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

“Phải cương quyết xử lý những dự án chậm triển khai trong KCNC và các KCN. Việc này phải làm mạnh, thu hồi ngay đối với những dự án, doanh nghiệp chây ì. Không có chuyện đầu tư tài sản công để đắp chiếu, gây lãng phí. Càng không thể có chuyện xí phần đất trong các KCN”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cùng với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 KCN: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Ninh, Hòa Nhơn. Việc quy hoạch, xây dựng các KCN mới cần phải lựa chọn nhà thầu có năng lực. Đồng thời, chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào KCN, KCNC để sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Trong quý 1 năm 2022, khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 9 dự án. Trong đó, 2 dự án FDI vốn đầu tư 5,04 triệu USD; 7 dự án trong nước vốn đầu tư đăng ký 1.198 tỷ đồng; thực hiện 11 lượt điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó 5 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm 1,2 triệu USD và 26,8 tỷ đồng.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm