Xã hội

Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội nói về chiếc cặp khóa số chứa 450.000 USD

Ngày 19-7, phiên xử vụ án “chuyến bay giải cứu” bước vào ngày làm việc thứ bảy. HĐXX, VKS tiếp tục nghe các luật sư, bị cáo bào chữa.

Tiền hay rượu trong chiếc cặp khóa số?

Trong số 54 bị cáo, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị đưa ra xét xử về tội môi giới hối lộ với số tiền 1,65 triệu USD khi làm trung gian cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky) gặp gỡ Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, để “chạy án’’.

Với cáo buộc trên, ông Tuấn bị VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù.

Trong phần tự bào chữa, ông Tuấn nhắc lại toàn bộ tiến trình liên hệ với Hưng nhờ giúp đỡ bị cáo Hằng, quá trình bố trí cho Hằng và Hưng gặp nhau tại nhà mình cũng như việc đưa tiền.

Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội nói về chiếc cặp khóa số chứa 450.000 USD - 1

Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn tại tòa. Ảnh: CTV

“Phiên tòa ngày hôm qua, hiểu một cách nào đó thì anh Hưng đã đe dọa đề nghị tách vụ án này ra, điều tra bổ sung lại, chị Hằng phải chịu thêm phiên tòa khác. Tôi cho là anh Hưng đe dọa rất khéo léo, với tôi thì anh ý ngoặc thêm tội lừa đảo’’ - bị cáo Tuấn nói.

Về quá trình bị điều tra, bị cáo Tuấn nói rằng cơ quan điều tra làm rất khách quan, VKS tham gia xét hỏi ngay từ đầu, làm việc rất thận trọng, chặt chẽ và “tôi rất cảm ơn VKS’’.

Trước đó, khi nói về nội dung 435 cuộc gọi giữa mình và cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, bị cáo Hưng có nhắc đến con trai bị cáo Tuấn. Vì vậy, khi bào chữa, bị cáo Tuấn nói: “Bây giờ đứng trước tòa tranh cãi với nhau thật xấu hổ, nêu cả con cái ra để nói thì thật không ra làm sao’’.

Bị cáo Tuấn nói ra việc này là vì lúc đó con trai bị cáo làm luật sư ở Mỹ, làm việc về chống phá giá thì có nội dung làm việc với Bộ KH&ĐT, bị cáo có nhờ bị cáo Hưng có quan hệ nào thì bố trí giúp nhưng sau này không dùng đến.

“Anh Hưng nói không đúng sự thật’’ - bị cáo Tuấn nói trước tòa.

Về bốn chai rượu mà cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng khai có trong chiếc cặp khóa số, bị cáo Tuấn nói: “Anh Hưng nói gì cho ổn, chứ thế nó trơ tráo quá. Mình cũng thế, anh Hưng cũng thế, cũng nhận hàng trăm chai rượu, biếu hàng trăm chai rượu, có người nào bỏ chai rượu vào chiếc cặp khóa số mang đi không?’’.

Trong những ngày xử trước, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội khai sau khi nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng có bỏ 450.000 USD vào chiếc cặp, khóa mã số 104 rồi nhờ người cháu lái xe mang đưa cho bị cáo Hưng ở cổng trụ sở cơ quan.

Bị cáo Hằng cũng khẳng định lời khai của bị cáo Tuấn là hoàn toàn chính xác. Khi ông Tuấn đưa tiền cho Hưng xong còn gọi điện thoại cho bị cáo Hằng và đưa điện thoại để Hưng xác nhận với Hằng là đã nhận tiền.

Trong phiên xử ngày 19-7, một lần nữa bị cáo Hằng xác nhận “số tiền bị cáo đưa anh Tuấn đã đến tay Hưng”.

“Anh Hưng nói gì cho ổn, chứ thế nó trơ tráo quá. Mình cũng thế, anh Hưng cũng thế, cũng nhận hàng trăm chai rượu, biếu hàng trăm chai rượu, có người nào bỏ chai rượu vào chiếc cặp khóa số mang đi không?’’- cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.

Cựu đại sứ: Tổ chức chuyến bay không vì động cơ chia chác

Cũng tại tòa, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái đã trình bày lời tự bào chữa của mình trước HĐXX.

Ông Thái bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng và bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù.

Cụ thể, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, đại sứ quán (ĐSQ) tổ chức các chuyến bay đưa công dân tại Malaysia về nước, sau khi trừ các chi phí, ĐSQ thừa hơn 10 tỉ đồng, ông Thái đã quyết định chuyển 5 tỉ đồng vào quỹ của ĐSQ và chi cho các cán bộ, nhân viên. Ông Thái nhận 580 triệu đồng, các cán bộ bị xét xử trong vụ án này như Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh được hưởng 480 triệu đồng, Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng.

Tự bào chữa, cựu đại sứ nói rằng mình không lấp liếm, bao biện, có sai thì nhận, có thiệt hại thì chủ động khắc phục nhưng có gì chưa rõ thì xin trao đổi lại.

Với quan điểm đó, ông Thái xin được làm rõ các vấn đề về kinh phí dự phòng, về việc mượn tài khoản, việc thu sai quy định…

Theo bị cáo Thái, dự toán kinh phí bảo hộ công dân của ĐSQ chỉ có 10.000 USD cho năm 2021, trong khi bối cảnh dịch COVID-19 khó khăn. Mức thu đã tính toán rất nhiều yếu tố và phải tính để dự phòng các rủi ro (như hủy chuyến thì phải chi phí cho khoảng thời gian chờ chuyến mới…) bởi giá cả liên tục tăng. Tuy nhiên, vì rủi ro được ngăn chặn nên tiền đó thừa ra.

“Chúng tôi tổ chức chuyến bay không phải vì động cơ để chia chác. Chúng tôi phải ngăn chặn môi giới và cố gắng đưa bà con về nước’’ - cựu đại sứ nói.

Kể về tình hình môi giới, ông Thái nói ở Malaysia có bốn trại chờ, khi bị cáo Ngọc Anh đi khảo sát về có báo cáo tình hình phức tạp, môi giới đưa ma túy, thuốc lắc, có dấu hiệu bóc lột tình dục với chị em. Do đó, bị cáo Thái chỉ đạo nếu có chuyến bay thì dồn các chị em vào cho về trước.

“Thực sự là bí, anh em chúng tôi nát đầu, chỉ còn cách ĐSQ phải vào thu. Chúng tôi vào thu không phải vì vấn đề bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn’’ - ông Thái nói.

“Cảm ơn các đồng nghiệp của tôi là những người dám làm nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi” - cựu đại sứ kết thúc phần bào chữa.

“Doanh nghiệp là nạn nhân của văn hóa phong bì”

Trong vụ án, bị cáo Lê Hồng Sơn (tổng giám đốc Công ty Bluesky) bị xét xử về tội đưa hối lộ, đồng phạm với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng. Sơn bị cáo buộc có hai hành vi đưa hối lộ gồm đưa hối lộ 38 triệu USD để xin cấp phép chuyến bay và đưa hối lộ 2,65 triệu USD để ‘’chạy án’’.

VKS đề nghị mức án 11-12 năm tù đối với bị cáo Sơn.

Bào chữa cho bản thân, bị cáo Sơn nói rằng bị cáo rất sốc với mức án VKS đề nghị. Như nhiều bị cáo khác trong vụ án, bị cáo Sơn thừa nhận các hành vi, tội danh. Tuy nhiên, bị cáo cũng xin HĐXX xem xét trên nhiều khía cạnh.

Lê Hồng Sơn trình bày những khó khăn của doanh nghiệp thời dịch COVID-19. Khi đó, các công ty lữ hành gần như rơi vào cảnh phá sản. Chuyện đưa hối lộ, bị cáo Sơn không tham gia nhiều nhưng bị cáo không phủ nhận sai phạm của mình. ‘’Doanh nghiệp là nạn nhân của văn hóa phong bì’’ - bị cáo Sơn nói.

Các tin khác

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay

Từ đêm nay không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu ở miền Bắc, trời chuyển rét, đồng thời có mưa rào rải rác. Trong sáng nay, khu vực Đông Bắc Bộ cũng có mưa nhỏ, mưa phùn. Các khu vực khác trên cả nước ngày nắng, riêng Nam Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ nắng nóng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá vàng tăng dựng đứng

TPO - Sáng nay (15/3), giá vàng trong nước tiếp tục tăng dựng đứng. Theo đó, giá vàng nhẫn lên mốc kỷ lục mới 96,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng gần chạm mốc 96 triệu đồng/lượng.