Kỹ năng sống

Cưu mang đứa bé bị bỏ rơi không ai dám nhận nuôi, 52 năm sau người mẹ kể rõ sự tình, tìm gốc gác cho con

Đứa trẻ sơ sinh không ai dám nhận nuôi

Bà Ngô Thị Nhung (hiện đang định cư ở Mỹ) đã cưu mang chị Ông Thị Mỹ Tiên (sinh năm 1972) từ khi mới lọt lòng.

Bà Nhung là người Rạch Giá, Kiên Giang, lấy chồng quê ở Sóc Trăng. Sau khi kết hôn, bà Nhung về Sóc Trăng sinh sống. Được một thời gian, khi đang mang thai con đầu lòng khoảng 6 tháng, bà Nhung trở về nhà bố mẹ ruột ở số nhà 80, đường Mạc Cửu (kế bên chùa Thập Phương) chơi vài ngày. 

Ở nhà bố mẹ được khoảng 3 ngày, một hôm bà Nhung thấy có đông bà con đi qua nhà mình, bàn tán chuyện gì đó. Hỏi thăm thì bà Nhung được biết, có một phụ nữ đến sinh con ở nhà bà Mụ Hai (người đỡ đẻ - PV), cách nhà bà khoảng 500m, đi về phía Cầu số 1.

Người phụ nữ này sinh con từ 3 giờ sáng, muốn cho con cho người khác nuôi. Tuy nhiên đến tận 3 giờ chiều, rất đông người muốn xin nhưng khi đến xem, nhìn đứa bé thì không ai dám nhận nuôi nữa.

Cưu mang đứa bé bị bỏ rơi không ai dám nhận nuôi, 52 năm sau người mẹ kể rõ sự tình, tìm gốc gác cho con- Ảnh 1.

Bà Nhung và người con gái nuôi bà đã cưu mang từ ngày lọt lòng.

Lấy làm lạ, dù đang mang thai, bà Nhung vẫn mượn xe đạp của người hàng xóm, đi đến nhà bà Mụ Hai xem sự tình thế nào.

Khi tôi đến nơi thì nhà bà mụ Hai có 2 chiếc giường tre, mẹ của Mỹ Tiên nằm một bên, Mỹ Tiên nằm bên kia. Mỹ Tiên là con lai Mỹ, tôi thấy cháu rất bé, chỉ khoảng chừng 1kg. Tôi hỏi thì mẹ của Mỹ Tiên nói cháu sinh non khi mới 7 tháng rưỡi.

Thấy tội nghiệp quá, tôi mới bảo: “Nếu em bế em bé về nuôi thì chị có cần tiền hay thứ gì không?”. Mẹ Mỹ Tiên nói không cần gì. Chị ấy cũng sắm đầy đủ đồ cho con, toàn là đồ mới.

Tôi lại hỏi: “Sao đứa trẻ bé quá vậy chị? Giờ em nuôi kiểu gì?”, thì mẹ Mỹ Tiên nói: “Em cứ nuôi đi, một tháng là em bé sẽ lớn”.

Mẹ của Mỹ Tiên tâm sự là vì hoàn cảnh nên không nuôi con được. Nước mắt chị ấy chực trào ra, tôi không dám hỏi thêm vì sợ chạm vào nỗi đau của người ta, chị ấy lại mới sinh con. Lúc đó, tâm tư của tôi cũng xáo trộn nên quên cả hỏi tên, tuổi, chỉ kịp nói rằng tôi sẽ đưa đứa bé về Sóc Trăng vì quê chồng tôi ở đó. Tôi ước chừng mẹ ruột của Mỹ Tiên hơn tôi khoảng 3-4 tuổi”, bà Nhung nhớ lại.

Trước bà Nhung, đã có nhiều người đến xem, muốn nhận nuôi Mỹ Tiên. Tuy nhiên, vì thấy Mỹ Tiên quá bé, yếu ớt, mọi người nghĩ không thể nuôi được, đứa trẻ này sẽ chết yểu nên không ai dám mang về nuôi.

Bà Nhung lại nghĩa khác, rằng con vật còn muốn sống huống chi con người, không thể thấy chết mà không cứu. Nếu bà không nhận nuôi, không ai dám nhận nuôi thì số phận đứa trẻ sẽ ra sao? Bất chấp cả việc bản thân đang bụng mang dạ chửa, sắp sinh nở, bà Nhung vẫn quyết tâm cưu mang Mỹ Tiên.

Người phụ nữ này cũng xác định, nếu chẳng may đứa bé không sống được thì bà sẽ chôn cất cẩn thận.

Cưu mang đứa bé bị bỏ rơi không ai dám nhận nuôi, 52 năm sau người mẹ kể rõ sự tình, tìm gốc gác cho con- Ảnh 2.

Chị Mỹ Tiên thời trẻ chụp cùng bà ngoại.

Tha thiết tìm nguồn gốc cho con

Thấy con gái mang một đứa trẻ đỏ hỏn ở đâu về, mẹ bà Nhung sửng sốt, phản đối nhưng bà vẫn quyết tâm giữ lại nuôi. Cái tên Mỹ Tiên cũng chính là bà Nhung đặt cho cô con gái nuôi của mình, họ Ông là họ của chồng bà. 

Vì Mỹ Tiên là trẻ sinh non nên việc chăm sóc rất vất vả. Bà Nhung dù chưa có kinh nghiệm làm mẹ nhưng vì tình yêu, tình thương nên đã làm hết sức, hết lòng. Ngày ngày, bà nhỏ từng giọt sữa vào miệng của Mỹ Tiên, túc trực nơi bệnh viện mỗi lần con ốm. 

Cùng năm đó, bà Nhung sinh một bé gái. Đã có thời điểm, bà giao đứa con gái ruột của mình nhờ bố mẹ chồng chăm sóc để có thời gian lo cho Mỹ Tiên. Bà Nhung sinh tổng cộng 7 người con, nhưng tình cảm người mẹ này dành cho cô con gái nuôi chưa bao giờ vơi bớt. Bà xem như mối quan hệ mẹ - con của mình và chị Tiên là duyên trời định.

Bao nhiêu năm qua, chị Mỹ Tiên vẫn ghi nhớ công ơn trời biển mà mẹ đã dành cho mình.

Đến hiện tại, bà Nhung cũng thiết tha muốn tìm lại nguồn gốc cho con. Bà chia sẻ cụ thể về câu chuyện nhận nuôi chị Mỹ Tiên năm xưa, hy vọng mẹ hoặc người thân, anh chị em của chị Tiên nghe được, nhận thấy có sự trùng khớp thì kết nối, để những người ruột thịt có cơ hội đoàn tụ với nhau. 

Nguồn: Tuấn Vỹ kết nối yêu thương

Cùng chuyên mục

Đọc thêm