"Qua nửa đời người rồi, không ngờ có ngày tôi còn nhận lại được một phần ký ức của 60 năm trước", ông Hoàng Dương Chương, 81 tuổi, nói trong buổi lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến do Đại sứ quán Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, hôm 9/12.
Nếu không tính những vết thương chằng chịt trên cơ thể và đôi chân tập tễnh, cuốn nhật ký này là kỷ vật duy nhất sau 6 năm ở chiến trường của người cựu chiến binh đặc công Rừng Sác.
Năm 1963, chàng trai 20 tuổi Hoàng Dương Chương nhập giấy báo nhập ngũ khi vừa học hết cấp 3. Là người bơi lội giỏi, ông được chọn vào khóa huấn luyện đặc công nước. Hành quân vào nam, ông gia nhập Đội 1 Đoàn 10 đặc khu Rừng Sác, hoạt động chủ yếu tại vùng rừng ngập mặn Cần Giờ, phía nam Sài Gòn. Ông Chương quê Nam Định nên được đồng đội đặt cho bí danh Hai Bắc.
Năm 1966, khi đi trinh sát ở sông Lòng Tàu, chiếc xuồng của ông bị biệt kích Mỹ bắn chìm. Hai Bắc bị thương khuỷu tay trái, đạn bắn thủng bàn tay phải vẫn cố bơi thoát thân. Khoảng 2h sáng, trong lúc đang bơi, một con cá sấu phía sau lao tới đớp vào lưng ông. Cả hai cánh tay người lính nằm trọn trong miệng cá sấu.
Sau một hồi vật lộn, Hai Bắc diệt được con thủy quái, tự thoát thân, bơi lên bờ. Đêm đó, ông được đồng đội đưa vào bệnh xá điều trị trong tình trạng khắp người chằng chịt dấu răng cá sấu. Về sau ông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt cá sấu". Đến nay, khu vực sông Lòng Tàu, bức tượng "Chiến sĩ rừng Sác chống lại cá Sấu" vẫn được trưng bày, kèm bảng thông tin, kể chi tiết cuộc chiến đấu của ông.
Một năm sau lần thoát hiểm trước mũi súng biệt kích và cá sấu, Hai Bắc được điều về Thủ Đức. Trong một trận đánh vài tháng sau đó, ông bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc điều trị.
"Lúc đó, các chuyên gia đầu ngành nói nếu mổ vết thương, gần như chắc chắn tôi sẽ bị cưa chân", ông Chương kể.
Quyết định không mổ nhưng cũng không chấp nhận sống đời tàn phế, mỗi sáng ông Chương nhờ người thân lấy dây thừng buộc vào cổ chân, vắt qua chấn song cửa, rồi kéo thẳng ra. Khi chân thẳng, ông tập đứng, tập đi. Mất thêm gần nửa năm ông tập tễnh bước được với sự trợ giúp của nạng.
Bố ông Chương lúc đó là trưởng phòng tổ chức Bưu điện tỉnh Nam Định. Thấy con trai đi lại được nên dẫn đến mấy nơi xin làm bảo vệ. Chỗ nào cũng có người quen, nhưng anh thương binh đều bị từ chối vì "nếu có còi báo động làm sao chạy được".
Từ một chàng trai tràn đầy sức trẻ, nay bị xem là kẻ bỏ đi, ông Chương khủng hoảng tinh thần nặng. "Sự phũ phàng của thực tế làm rung chuyển mọi giác quan, từng thớ thịt", ông nói.
Khi mọi cánh cửa đều đóng lại, người cựu chiến binh Rừng Sác nhận ra chỉ học mới thay đổi được cuộc đời. Ông mượn sách, tự học lại kiến thức phổ thông sau 9 năm bỏ bẵng.
Năm 1970, người thương binh Hoàng Dương Chương thi đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội và được chọn đi học ngành luyện kim ở Legingrad, nay là Saint Petersburg (Nga). Nhưng mùa đông khắc nghiệt ở đó khiến những vết thương của ông đau dữ dội. Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu ông về Đại học Tổng hợp Kharkov, nơi có khí hậu ấm hơn.
"Năm đầu tôi học tiếng Nga mãi không vào", ông kể. Một giáo sư của trường thấy chàng trai Việt vật lộn với ngoại ngữ nên mời ông đến nhà ở cùng. "Tôi có thêm động lực. Đêm nào cũng thức xuyên học", ông kể.
Năm thứ ba đại học, ông Chương là sinh viên nước ngoài duy nhất của trường được giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp thành phố Kharkov, với đề tài "Văn hóa và tôn giáo trong cuộc chiến ở Việt Nam".
Năm 1977, ông Chương tốt nghiệp và trở về làm tại thư viện tỉnh Hà Nam Ninh rồi giám đốc thư viện tỉnh Nam Định. Từ chiến trường trở về, người cựu chiến binh Rừng Sác trở thành nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, đã xuất bản hàng chục đầu sách.
GS TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết dù tuổi cao, ông Chương vẫn rất nhiệt huyết với các hoạt động nghiên cứu, đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực khoa học lịch sử Việt Nam. "Gần đây, chúng tôi thực hiện công trình cấp quốc gia Địa chí Nam Định, ông Chương được mời tham gia với tư cách một nhà nghiên cứu chủ lực", ông Ngọc nói.
Anh Hoàng Phương, con trai ông Chương cho biết từ khi còn nhỏ đã thấy bố có vẻ ngoài ốm yếu, nhưng rất dẻo dai. "Thời còn làm đặc công, ông ở dưới nước nhiều nên giờ nếu tắm quá 5 phút cơ thể ông sẽ nhũn ra. Nhưng tuổi này rồi, ông vẫn làm việc đến 3h sáng", anh Phương kể.
10 năm trước, ông Bảy Ước, tư lệnh đặc công Đoàn 10 Rừng Sác còn sống, ra Nam Định thăm người đồng đội. Ông Bảy nói sẽ làm hồ sơ phong anh hùng cho người lính cấp dưới của mình. Nhưng hồ sơ vướng một số thủ tục, ông Chương lại không để tâm nên chưa được duyệt.
Có lần Anh Phương hỏi "Sao bố không sốt sắng gì thế?". Ông Chương nói "Những công trình bố đang viết 300 năm sau người ta vẫn cần đọc. Còn chiến tranh, nó kết thúc rồi".
Hôm 9/12, 5 giờ sáng, ông mới từ quê bắt xe khách lên Hà Nội, nhưng vẫn không quên cầm theo cuốn sách, là công trình nghiên cứu khoa học của mình, ký tặng đại sứ Mỹ Knapper. "Cảm ơn vì đã trao trả lại kỷ vật cho chúng tôi", ông nói với đại diện nước bạn.
Sau buổi lễ ở Hà Nội, ông Chương vội trở về quê Nam Định. Ở nhà, một người vợ tai biến 20 năm nay và người em gái bị bệnh Down đang cần ông chăm sóc.
"Cuộc đời bố tôi chồng chất những khó khăn, nhưng ông không thích than vãn, cũng không cần ai giúp đỡ. Các con đề nghị thuê giúp việc để đỡ đần, nhưng bố từ chối", anh Phương nói.
Ông Chương cũng thấy mình còn sức khỏe, còn nhiệt huyết nên vẫn muốn thức đêm để làm nghiên cứu khoa học, thứ như ông nói, giá trị của nó sẽ không bao giờ kết thúc.