2h03 ngày 16-1 (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), tên lửa khổng lồ New Glenn của tập đoàn hàng không tư nhân Blue Origin mang theo vệ tinh Blue Ring được phóng từ trạm vũ trụ Cape Canaveral (CCSFS, tiểu bang Florida) lên quỹ đạo Trái đất.
Thời khắc quan trọng
Báo Guardian gọi chuyến bay đầu tiên vào không gian của New Glenn là thời khắc quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa hai tỉ phú Mỹ: ông chủ Blue Origin Jeff Bezos và ông chủ SpaceX Elon Musk.
"Làm tốt lắm, Jeff Bezos và Blue Origin", tỉ phú Musk gửi lời chúc mừng đến đối thủ Bezos trên mạng xã hội X. Ông Musk đã dẫn trước ông Bezos trong cuộc đua "thuộc địa hóa không gian" từ nhiều năm trước thông qua những thành tựu mà SpaceX đạt được.
Theo báo New York Times, SpaceX đã định hình lại cách chế tạo và phóng tên lửa kể từ khi tỉ phú Musk khởi nghiệp ở mảng không gian 20 năm trước. Từ lâu, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã trở thành biểu tượng của dòng tên lửa có thể tái sử dụng khi một số tên lửa thuộc dòng này đã bay thành công lên vũ trụ và quay trở về Trái đất.
Các tên lửa đẩy có thể tái sử dụng của SpaceX đã giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng tần suất các vụ phóng tên lửa lên vũ trụ. Với khoảng cách giữa các vụ phóng chỉ cách nhau vài ngày, SpaceX đã mang vào không gian một số lượng hàng hóa chiếm hơn 85% tổng tải trọng hàng hóa đưa lên quỹ đạo trong ba tháng gần đây nhất. Các tên lửa của SpaceX như Falcon 9 hay Dragon đã đưa hơn 50 phi hành gia vào không gian từ năm 2020.
SpaceX cũng tăng tải trọng của tên lửa, giúp tên lửa vận chuyển nhiều vệ tinh, hàng hóa, các phi hành đoàn lên các trạm vũ trụ hay thậm chí là những hành khách muốn thám hiểm vũ trụ hơn.
Trái lại, Đài CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định rằng tên lửa New Glenn của Blue Origin giờ đây hoàn toàn có thể đánh bại tên lửa Falcon 9 của SpaceX bởi Falcon 9 chỉ có thể chở một khối lượng hàng hóa lên đến 22,8 tấn lên vũ trụ trong khi New Glenn có thể chở đến 45 tấn hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất (tức gấp đôi tải trọng của Falcon 9).
Chính thức được thông báo ra mắt vào năm 2016, tên lửa New Glenn của Blue Origin có kích thước cực khủng với chiều cao tương đương một tòa nhà 32 tầng, được thiết kế đặc biệt để có thể vận chuyển liên tục các vệ tinh và hàng hóa khác vào không gian. Ngoài ra, New Glenn còn sở hữu một tên lửa đẩy có thể tái sử dụng.
"Tôi nghĩ, để có thể đối đầu với Falcon 9, New Glenn buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh trực tiếp hoặc giá cả phải tốt hơn so với Falcon 9", ông Caleb Henry, giám đốc nghiên cứu tại công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng không vũ trụ Quilty Space, nói.
Dù giới quan sát nhận định Tập đoàn Blue Origin đang dần thu hẹp khoảng cách với SpaceX thông qua thành công của New Glenn hôm 16-1, nhưng tỉ phú Bezos lại cho biết ông không coi hai tập đoàn là đối thủ của nhau.
"Có nhiều phòng trống cho những người chiến thắng. Đây là sự khởi đầu vô cùng mới mẻ của kỷ nguyên không gian, nơi chúng ta sẽ cùng nhau làm việc như một ngành công nghiệp để giúp nhân loại giảm chi phí tiếp cận không gian", ông chủ Amazon cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Đến dự án Kuiper và Starlink
Xuất hiện vào năm 2019, dự án Kuiper của Tập đoàn Blue Origin cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao từ mạng lưới "chòm sao vệ tinh" ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), tức tầng quỹ đạo nằm gần Trái đất nhất. Kể từ khi được công bố, dự án Kuiper đã được nhiều người gọi là đối thủ trực tiếp của Starlink - một dự án cũng cung cấp dịch vụ truy cập Internet vệ tinh từ LEO của Tập đoàn SpaceX.
Cũng theo tờ New York Times, vào năm 2018, khi ông Bezos vẫn còn là giám đốc điều hành của Amazon, công ty này đã thuê một nhóm kỹ sư từng làm việc tại dự án Starlink bí mật phát triển dự án Kuiper. Các nhà phân tích ước tính Amazon đã chi hơn 16 tỉ USD cho dự án Kuiper.
Theo kế hoạch, dự án Kuiper sẽ phóng một mạng lưới gồm 3.232 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp dịch vụ phóng United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, đã dời lịch phóng của dự án Kuiper để thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ Mỹ. Amazon cho biết vụ phóng của dự án Kuiper sẽ bị hoãn lại đến đầu năm 2025.
Cả tên lửa New Glenn và dự án Kuiper có lẽ đều là những nỗ lực tham vọng nhất trong suốt nhiều năm qua của Blue Origin nhằm tranh giành quyền kiểm soát của SpaceX trên thị trường hàng không vũ trụ thương mại.
Tên lửa khổng lồ và dự án vệ tinh mới của Blue Origin cũng đại diện cho một chương mới trong cuộc cạnh tranh lâu dài giữa các tỉ phú đứng sau Amazon và Tesla. Trong khi Amazon đã trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ có độ nhận diện cao nhất thế giới thì Tesla cũng thống trị thị trường xe điện toàn cầu.
Tuy nhiên, so với tỉ phú Bezos, xuất phát điểm sớm hơn đã giúp tỉ phú Musk gặt hái được nhiều thành công hơn trong lĩnh vực không gian.
Tính đến nay, mạng lưới Starlink của SpaceX có hơn 6.000 vệ tinh được bố trí trên toàn cầu, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng và trở thành nhà cung cấp cho chiến trường Ukraine hay các xe tải phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí ở vùng nông thôn tiểu bang Virginia (Mỹ).
Tên lửa Starship của SpaceX phát nổ
Ít lâu sau khi Blue Origin phóng thành công tên lửa khổng lồ New Glenn vào quỹ đạo, siêu tên lửa Starship của đối thủ SpaceX bất ngờ phát nổ sau khi cất cánh chỉ tám phút vào chiều 16-1 (theo giờ địa phương).
Đây là lần phóng thử nghiệm thứ bảy kể từ năm 2023 của dòng tên lửa hạng siêu nặng Starship. SpaceX đang điều tra nguyên nhân của vụ nổ. Sau sự cố, không ít người đặt câu hỏi liệu SpaceX có "hụt chân" so với đối thủ Blue Origin hay không.