Kinh doanh

Cuộc đổ bộ của lẩu và trà sữa Trung Quốc

Gần đây, khi Chang Le (Trung Quốc), 21 tuổi, cảm thấy nhớ nhà trong chuyến du học nửa năm ở Massachusetts (Mỹ), anh biết mình luôn có thể tìm được một bữa ăn ngon có hương vị quê nhà, theo Sixth Tone.

“Tôi rất vui và cũng bất ngờ khi thấy Haidilao ở nước ngoài”, Chang - sinh viên đến từ thành phố Quảng Châu, chia sẻ về chuỗi lẩu nổi tiếng của Trung Quốc. “Dù giá cao hơn và một số món không được ngon, tươi như ở Trung Quốc, nhưng nó vẫn mang hương vị quê nhà”.

Từ quán đầu tiên tại Việt Nam, Mixue đã mở rộng rất nhanh ở các thị trường khác bên ngoài Trung Quốc. (Ảnh: Đức Huy).

Ẩm thực Trung Quốc ở nước ngoài đã có nhiều thay đổi so với trước kia, khi các món phổ biến thường chỉ xoay quanh gà xào kung pao hay đồ ăn trong hộp giấy. Ngày nay, nhiều nhà hàng do thế hệ thứ hai và thứ ba của người di cư mở đã phục vụ các món ăn địa phương đặc trưng từ nhiều vùng miền của Trung Quốc. Tuy nhiên, với những người mới ra nước ngoài, thật khó để tìm được hương vị quen thuộc từ quê nhà.

Nhu cầu này đã góp phần thúc đẩy các chuỗi nhà hàng lớn của Trung Quốc mở rộng ra thế giới, như Cơm gà kho của Yang, chuỗi lẩu nhỏ Zhangliang Malatang và thương hiệu đồ uống Mixue.

Hiện nay, có hàng chục thương hiệu Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài, phục vụ gần như mọi loại ẩm thực Trung Quốc. Tuy nhiên, hai loại nổi bật nhất là lẩu và trà sữa.

Kể từ khi mở chi nhánh đầu tiên ở Singapore năm 2012, Haidilao đã xây dựng nên một chuỗi 122 nhà hàng ở nhiều quốc gia từ Mỹ đến Australia. 

Nửa đầu năm nay, Super Hi International, đơn vị vận hành các hoạt động của Haidilao ở nước ngoài, ghi nhận doanh thu 356 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, Haidilao không phải là thương hiệu lẩu đầu tiên của Trung Quốc vươn ra nước ngoài. Đó là Chongqing Little Swan - đã mở một chi nhánh ở Seattle (Mỹ) từ năm 1995. Những thương hiệu khác như Happy Lamb và Liuyishou Hot Pot cũng bắt đầu mở rộng quốc tế từ những năm 2010.

Một trong những lý do khiến lẩu Trung Quốc thành công ở nước ngoài là sự đơn giản. Phần lớn các thương hiệu đều sử dụng gói gia vị lẩu chế biến sẵn và nguyên liệu cũng dễ tìm.

Sự phổ biến của món lẩu đã giúp ẩm thực Tứ Xuyên trở thành một trong những loại ẩm thực nổi tiếng nhất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuỗi nhà hàng phục vụ các món Tứ Xuyên khác lại không phải lúc nào cũng đạt được thành công tương tự. 

Dù các thương hiệu Tứ Xuyên đã mở nhiều chi nhánh ở nước ngoài hơn các vùng khác, nhưng việc thiếu đầu bếp có tay nghề và khó khăn trong việc tìm nguyên liệu khiến hầu hết, kể cả những thương hiệu mở rộng sớm, vẫn chỉ có dưới 10 chi nhánh ở nước ngoài. 

Baguo Buyi, chuỗi nhà hàng chuyên món cá muối chua Tứ Xuyên, mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ vào năm 2013 và hiện nay chỉ còn hai chi nhánh tại quốc gia này.

Thương hiệu thực sự nổi bật trong làn sóng mở rộng của các công ty Trung Quốc không phải là nhà hàng, mà là một thương hiệu trà sữa: Mixue. Mixue nổi tiếng tại Trung Quốc nhờ giá rẻ, được người tiêu dùng tại các thị trấn và thành phố nhỏ ưa chuộng. 

Trong 6 năm qua, Mixue đã phát triển nhanh chóng ở nước ngoài, từ một chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam năm 2018 đến hơn 4.000 chi nhánh toàn cầu hiện nay.

Giống như nhiều thương hiệu trà sữa khác, Mixue tập trung mở rộng chủ yếu ở Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, Mixue ước tính có hơn 1.000 chi nhánh. Hey Tea, thương hiệu trà sữa nhắm đến tầng lớp trung lưu, mở rộng lần đầu ra nước ngoài vào tháng 11/2018 tại Singapore và tiến vào thị trường Malaysia vào năm ngoái. Một thương hiệu trà cao cấp khác, Nayuki, cũng đã mở rộng sang Đông Nam Á vào năm 2023 với một cửa hàng lớn tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Đông Nam Á mang lại nhiều lợi thế cho các công ty Trung Quốc khi mở rộng ra nước ngoài, với cộng đồng người Hoa lớn và khách hàng trẻ. Singapore, nơi 63% dân số là người gốc Hoa và thu nhập người dân cao, là lựa chọn lý tưởng cho các thương hiệu hướng tới tầng lớp trung lưu như Xiao Long Kan Hotpot, Tai Er với món cá muối chua, và Hey Tea.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm