TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho biết, từ giờ cho đến cuối năm, thị trường bất động sản đối mặt với nguồn cung khan hiếm, giá bán duy trì ở mức cao, thanh khoản chậm.
Theo chuyên gia, thị trường đối mặt với vấn đề trên là do quỹ đất để phát triển dự án mới còn hạn chế, các dự án bị ách tắc do pháp lý và nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao. Các vấn đề này dẫn đến tính thanh khoản thấp vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế.
Ông Khương cho biết, hiện nay, có 2 nhóm khách hàng chính trên thị trường. Một là khách hàng mua để ở và thứ hai là khách hàng mua để đầu tư thay vì họ gửi tiền vào ngân hàng, chứng khoán - những kênh đang có chiều hướng bất ổn.
Do đó, việc đầu tư vào thị trường nhà ở, đặc biệt là căn hộ, là rất cao. Tình hình này không chỉ xảy ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận. Với nguồn cung trên thị trường hạn chế, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn và nhu cầu nhà ở lớn, dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ đối diện với khó khăn, đặc biệt là những người mua với nhu cầu ở thực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills Hà Nội cũng cho rằng, thị trường nhà ở trong 6 tháng còn lại của năm 2022 sẽ không xuất hiện nhiều đột biến.
"Số lượng dự án có mức giá tốt, vị trí thuận lợi và chất lượng cao còn đang khan hiếm. Điều này là do bản thân các chủ đầu tư cũng đang đối mặt với áp lực tăng giá, đặc biệt từ chi phí đầu vào. Tuy nhiên, thị trường dự kiến sẽ chào đón thêm nhiều dự án nhà ở mới trong giai đoạn 2023-2025. Bởi vậy, hiện tại là khoảng thời gian cần thiết để người mua nhà cũng như giới đầu tư chuẩn bị nguồn lực tài chính trước khi tham gia hoạt động đầu tư", ông Thêm nói.
Còn ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam thì cho rằng trong nửa cuối năm nay, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM có thể giảm khoảng 30% so với đầu năm. Sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nếu động thái siết tín dụng bất động sản của các ngân hàng chưa có hướng tháo gỡ kịp thời. Dưới áp lực chi phí, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng giá bán sơ cấp có thể sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp không có nhiều biến động.
Cũng theo đơn vị này, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền không có nhiều đột biến và tiếp tục duy trì ổn định như giai đoạn đầu năm. Nguồn cung tập trung tại các dự án đã mở bán trước đó và phân bố ở thị trường giáp ranh TP HCM như Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định trong giai đoạn cuối năm.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản và giá bất động sản đều giảm. Trong đó, thị trường sẽ giảm thanh khoản, giảm mạnh ở những khu vực chưa thể khai thác kinh doanh hay các bất động sản giá trị lớn. Giá bất động sản sẽ giảm ở những khu vực tăng nóng thời gian qua nhưng đầu tư hạ tầng, khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Đất nền nhiều khu vực xa TP HCM sẽ giảm giá.
Cũng theo ông Hiển, các khó khăn tác động tới thị trường như Nhà nước kiểm soát vốn vào BĐS, giá bất động sản đã tăng cao ở nhiều phân khúc và địa phương; lãi suất cho vay tăng khoảng 2%. Đặc biệt, các nhà đầu tư đang "kẹt vốn", giảm niềm tin về giá bất động sản tiếp tục tăng.
Xu thế đầu tư cuối năm 2022 - năm 2023 là bất động sản khu vực TP.HCM và vùng phụ cận được quan tâm nhiều; bất động sản khu vực có động lực kinh tế phía Nam hướng biển đón nhận nhiều cơ hội mới. Ngược lại, bất động sản phân lô vùng xa khu vực nông nghiệp giảm mạnh thanh khoản, xuất hiện cắt lỗ 10 - 30%. Bất động sản du lịch có những nỗ lực mới nhưng chưa thực sự được nhà đầu tư quan tâm rộng rãi.