Doanh nghiệp

Cục thuế Đồng Nai bị tố "ngâm hồ sơ" của doanh nghiệp

Thông tin được ông Atsumi Kazuhiko Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Bình nêu trong Hội nghị đối thoại giữa hơn 300 doanh nghiệp FDI với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 28/3.

Theo ông Atsumi Kazuhiko Hòa Bình, 3 tháng nay, công ty ông đã nộp hồ sơ liên quan một số thủ tục đất đai nhưng vẫn chưa được Sở Tài nguyên Môi trường và Cục thuế giải quyết. "Việc chậm trễ giải quyết thủ tục khiến ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty", đại diện này nói.

Đại diện doanh nghiệp FDI phản ánh Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường ngâm hồ sơ của doanh nghiệp. Ảnh: Phước Tuấn

Đại diện doanh nghiệp FDI phản ánh Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường "ngâm hồ sơ" của doanh nghiệp. Ảnh: Phước Tuấn

Trả lời về vấn đề "ngâm hồ sơ" của công ty này, ông Nguyễn Văn Viện, Phó cục thuế Đồng Nai cho biết nguyên nhân là phía Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển sang thiếu thông tin. "Hiện chúng tôi đã chuyển trả lại và đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai bổ sung theo quy định", ông giải thích.

Phản bác lại, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng, theo quy định 5 ngày Cục thuế phải giải quyết, thế nhưng cơ quan này phản hồi rất chậm, có khi phải chờ 2 đến 3 tháng mới nhận được.

"Tôi mong sau này, Cục thuế nếu không đủ thông tin, đề nghị trả lại hồ sơ đúng 5 ngày theo quy định chứ để 1 đến 3 tháng thì chúng tôi phải xử lý lại, rồi chuyển hành chính công sẽ chậm", ông Toàn nói.

Trước việc đổ lỗi giữa Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo ngay sau buổi đối thoại, Văn phòng UBND phải ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để rà soát quy trình thủ tục một cửa, xem xét trách nhiệm ở Sở Tài nguyên và Môi trường hay Cục thuế để chấn chỉnh, giải quyết thủ tục sớm cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh không nhận được hỗ trợ trong việc triển khai xin cấp phép và xây dựng điện mặt trời áp mái. Việc cắt điện của doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng không có kế hoạch, chậm bàn giao mặt bằng để xây dựng mở rộng nhà xưởng trong KCN Amata, giải quyết việc nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài... Những vấn đề này đã được lãnh đạo các sở ngành tỉnh Đồng Na phản hồi ngay trong buổi đối thoại.

Đồng Nai hiện có 33 Khu công nghiệp, thu hút đầu tư từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 1.602 dự án với tổng vốn hơn 34,59 tỷ USD. Với số lượng trên, Đồng Nai hiện là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết các doanh nghiệp FDI là một bộ phận quan trọng của khối doanh nghiệp tại địa phương, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. "Vì vậy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó có các doanh nghiệp FDI là mục tiêu của chính quyền tỉnh", ông Sơn nói.

Theo ông, từ vụ phản ánh của doanh nghiệp KCN Long Bình, Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường cần xem lại quy trình phối hợp, chấn chỉnh ngay để giải quyết thủ tục hồ sơ thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm