Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết cổ phiếu ngành nước đã tăng 7% trong năm 2022, vượt trội 39% so với VN-Index nhờ lợi nhuận tăng mạnh.
Về triển vọng năm 2023, với các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của Ủy ban Nhân dân Tỉnh (gồm BWE, DNW, Sawaco, Hawaco, CTW, HPW, DNA, BWS, HDW, NBW, GDW, LKW, BDW, NAW, NQB, PJS , TAW, VPW,…), hiệu quả hoạt động của các công ty này phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân số trên địa bàn phân phối. SSI ước tính doanh thu nhóm này tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2023. Cụ thể, lượng nước tiêu thụ trung bình tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi giá nước bán lẻ bình quân tăng 3% so với cùng kỳ.
Dẫn số liệu từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), SSI cho biết nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước tính đạt từ 8,2 triệu m3 đến 8,6 triệu m3 mỗi ngày (tăng 6% so với cùng kỳ) vào năm 2023. Theo quy hoạch tổng thể ngành nước đến năm 2030, mức tiêu thụ nước bình quân đầu người sẽ tăng từ 105-110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày năm 2030. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước ước tính sẽ tăng từ 43,5% hiện nay lên 47% vào năm 2030.
"Do vậy, hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước sẽ tiếp tục được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong trung hạn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến sẽ giảm từ 17,5% vào năm 2022 xuống còn 16,5% vào năm 2023, khi các công ty cấp nước áp dụng hệ thống phát hiện rò rỉ nước cải tiến, bên cạnh việc cải thiện mạng lưới đường ống dẫn nước cho người tiêu dùng cuối", báo cáo của SSI nêu rõ.
Đối với doanh nghiệp sở hữu nhà máy nước gồm DNP, TDM, VCW. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nhà máy xử lý nước bao gồm: khoản đầu tư nhà máy nước; khoảng cách từ nhà máy đến nguồn nguyên liệu (nước mặt hoặc nước ngầm); và sản lượng và giá bán cho các công ty phân phối.
Với nhóm này, SSI khuyến nghị theo dõi cổ phiếu TDM vì mức tiêu thụ nước ổn định (tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ) ở khu vực Dĩ An và Bàu Bàng; LNST năm 2023 dự báo tăng trưởng 38% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng hữu cơ và nhận khoản chi trả cổ tức từ BWE; bên cạnh đó mã này còn có động lực tăng trưởng từ thương vụ M&A với CTCP Cấp nước Cần Thơ từ năm 2023 cùng đòn bẩy thấp với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,12 lần.
Cùng chung quan điểm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng duy trì quan điểm tích cực cho TDM do công ty này có sức mạnh độc quyền tại tỉnh Bình Dương và sở hữu 37% cổ phần của BWE - nhà cung cấp và phân phối nước lớn thứ hai tại Việt Nam.
Ngoài ra, VCSC khuyến nghị từ mua thành khả quan đối với cổ phiếu BWE do giá cổ phiếu này đã tăng xấp xỉ 30% trong 3 tháng qua. Đồng thời dự báo lợi nhuận 2023 của BWE sẽ tăng 15% so với cùng kỳ năm trước nhờ mảng xử lý chất thải có diễn biến khả quan và lỗ tỷ giá thấp hơn năm trước.