Nhà ở xã hội trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Xây dựng mới đây đã có trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM liên quan ý kiến kiến nghị của cử tri về vấn đề nhà ở xã hội.
Theo đó, cử tri TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
Đồng thời cần có thêm những chủ trương, chính sách hợp lý hơn để công nhân, lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội.
Trả lời nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết vừa qua đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Theo đó, nghị định quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi, hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê nhà ở xã hội.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ trương, chính sách để công nhân, người lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho hay trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện nỗ lực trong tạo dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) gặp khó khăn về chỗ ở.
Cụ thể như Luật nhà ở năm 2014, các nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng có thông tư hướng dẫn thực hiện về quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng nêu rõ tại Luật nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (trong đó bao gồm công nhân, người lao động nghèo).
Người thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập.
Ngoài ra, người thu nhập thấp được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Bộ Xây dựng cũng nêu rõ hiện được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật nhà ở.
Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho đối tượng khu vực đô thị có nhiều cơ hội tiếp cận, mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm “an cư lạc nghiệp”.
Nghiên cứu mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung
Cũng trả lời cử tri Hà Nội về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho hay đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Hiện bộ đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật nhà ở năm 2014. Dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và thông qua tại lỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.
Một trong những phương án đưa ra theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng.
Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh...
Liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn), Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của cử tri để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.