Công nghệ

Công viên Tân Trúc - cái nôi của TSMC, MediaTek

Trở lại những năm 1980, Đài Loan muốn thành lập một khu chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển cho ngành công nghệ. Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park - HSP) ban đầu được định hướng là một trung tâm sản xuất PC với các ưu đãi về thuế và đất đai để lôi kéo các công ty thành lập cơ sở. Nhưng một thập kỷ sau, nơi đây trở thành một vùng đất hoàn toàn khác: nơi sản xuất bán dẫn cao cấp.

Một góc Công viên Khoa học Tân Trúc. Ảnh: GlobeNewsWire

Một góc Công viên Khoa học Tân Trúc. Ảnh: GlobeNewsWire

"HSP là nỗ lực của Đài Loan nhằm xây dựng nên ngành công nghiệp công nghệ chủ đạo, đào tạo lực lượng lao động công nghệ chất lượng cao và ươm tạo hầu hết công ty chủ chốt mới nổi", Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology, nói với Fortune. "Đó là sự kết hợp thực sự thú vị và thành công giữa các chương trình giáo dục và đào tạo, nơi các công ty có thể dễ dàng thành lập và tìm kiếm đối tác, cũng như công nhân lành nghề".

Hầu hết công ty ở HSP như TSMC hay UMC đang là đối tác lớn của Apple, Nvidia và Qualcomm. Nơi đây cũng có hãng chip MediaTek nổi tiếng. Các khu vực khác trên toàn cầu cũng đang bắt chước sự thành công mà Đài Loan đã tạo dựng ở HSP.

"Nếu không có HSP, nơi cung cấp tất cả cơ sở hạ tầng và đất đai, rất nhiều công ty công nghệ có thể đã không tồn tại ngày nay", Morris Chang, người sáng lập TSMC, cho biết tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập HSP vào tháng 12/2020, theo Nikkei Asia.

Các công ty bán dẫn đặt trụ sở ở HSP đạt tổng doanh thu 363 tỷ USD năm 2022. Trong khi đó, GDP của Đài Loan là khoảng 720 tỷ USD. Tuy nhiên, phải mất hàng chục năm, HSP mới có được vị thế đó.

Trước đây, nơi này được gọi là "monga-bo", hay nghĩa địa trong tiếng lóng ở Đài Loan. "Nếu nhìn lại 20 năm trước, không có trung tâm mua sắm, không rạp chiếu phim. Chẳng có gì ở đó cả", Lucy Chen, Phó chủ tịch tiếp thị của công ty tư vấn Isaiah Research, cho biết.

Chen bắt đầu làm trong ngành bán dẫn sau khi lấy bằng thạc sĩ năm 1996, phần lớn tại Lam Research, một công ty chế tạo bán dẫn của Mỹ. Bà dành hai thập kỷ tại HSP, bắt đầu từ cuối những năm 1990, thậm chí từng nhớ đã nhìn thấy những người nông dân trên đường đi làm.

Theo bà Chen, việc nhiều công ty sản xuất chip ở gần nhau "là một loại tài sản". "Mỗi giây đều là tiền trong sản xuất bán dẫn. Nếu mất thời gian, bạn sẽ mất tiền", Chen nói. Các xưởng đúc cần có những công ty hỗ trợ ở gần để có thể tiến hành khắc phục và sửa chữa ngay lập tức nếu có sự cố hoặc vấn đề phát sinh. Việc thiếu cơ sở hạ tầng giao thông có nghĩa các công ty và nhà cung cấp trong hệ sinh thái đều phải ở cùng một địa điểm.

Những nơi khác đang cố gắng tạo các khu vực bán dẫn tương tự như Mỹ, Nhật Bản. Dù vậy, HSP vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp chip Đài Loan và của thế giới. "Thành công tạo nên thành công", Miller nói. "Hệ sinh thái càng lớn, càng sâu, các công ty càng dễ thành công".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm