Năm 2023, thị trường bất động sản ghi nhận các thương vụ M&A với bên mua chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoại đã hiện diện tại Việt Nam từ nhiều năm qua. “Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn. 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững”, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia đánh giá.
Theo nhóm chuyên gia JLL, ở giai đoạn tăng trưởng cao 2014 - 2018, hầu hết tài sản chất lượng cao nằm trong tay các doanh nghiệp nội nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Tuy nhiên, cũng chính điều này cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào việc phát triển vùng đất mới.
“Trong thập kỷ qua, chi phí mua và nắm giữ tài sản cao đã khiến các chủ đất không có nhiều cơ hội giảm giá đáng kể. Mặc dù mối quan tâm đầu tư vẫn duy trì nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường nhưng sự thiếu linh hoạt trong đàm phán giá đã khiến tốc độ giao dịch thị trường chậm lại trong thời gian gần đây. Thế nhưng giá giao dịch đã không giảm mạnh như kỳ vọng trong môi trường lãi suất tăng và khả năng tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt”, chuyên gia JLL lý giải thêm.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield đưa ra dự báo có một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026.
“Các nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục lấn lướt trên thị trường. Đến nay có nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển”, CEO Cushman & Wakefield nhận định.
Cũng theo chuyên gia Cushman & Wakefield, 2024 là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động M&A hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài.
“Thâu tóm quỹ đất, tài sản như một cơn sóng ngầm và có thể dâng lên cao bất cứ lúc nào. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng âm thầm với giá thấp do thị trường rơi vào vùng đáy và lợi thế luôn thuộc về người có sẵn tiền. Do đó, năm 2024 thị trường có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ sang tên đổi chủ với giá trị hàng triệu, chụ triệu USD”, bà Trang Bùi dự báo.
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ Mua bán - Sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, đưa ra lưu ý về ba điều mà doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản) cần vượt qua để thu hút đầu tư trong thời gian tới: Một vài giới hạn nội tại, hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán.
Tương tự, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng vấn đề được quan tâm nhất trong năm 2024 là việc doanh nghiệp tập trung củng cố bảng cân đối kế toán để vượt qua cơn bão đang diễn ra.