"15 phút sau chúng ta có thể bắt đầu được không?"
Tôi không thể tin rằng tôi đã thực sự hỏi câu hỏi này. Tôi đang viết một câu chuyện về Google thì có người liên lạc với tôi và mang đến cho tôi một cơ hội tuyệt vời: Một cuộc phỏng vấn độc quyền với Google và CEO Sundar Pichai của Alphabet.
Có một vấn đề đó là: Thời gian họ đưa ra trùng với một cuộc hẹn rất quan trọng của tôi, và tôi không thể sắp xếp lịch trình được.
Vợ tôi gợi ý: "Sao anh không hỏi xem họ có thể bắt đầu trễ hơn không. Em biết anh ta là ‘CEO của Google’ nên chắc chắn sẽ rất bận. Nhưng anh thử đưa ra đề nghị xem sao".
Được rồi. Anh sẽ thử.
Một vài phút sau, tôi nhận được phản hồi:
"Không sao! Tôi hiểu mà. Để tôi xem …"
Một vài giờ sau đó:
"Có vẻ như Sundar có thể bắt đầu vào ngày mai! Tôi sẽ sớm gửi lời mời theo lịch trình".
Tôi chưa từng gặp Pichai bao giờ, nhưng tôi khá ấn tượng với lần tương tác đầu tiên này:
● Thực sự Pichai rất sẵn lòng đáp ứng những yêu cầu của tôi;
● Người liên lạc với tôi tại Google rất lịch sự, kèm theo đó là sự tôn trọng mà công ty dành cho tôi;
● Cách cô gái liên lạc với tôi nhắc đến Pichai, tôn trọng nhưng rất thân thiện.
Đây là những ví dụ tuyệt vời về tư duy xây dựng cảm xúc trong công việc. Mặc dù trọng tâm cuộc trò chuyện của tôi là nói về các chứng chỉ mới của Google, nhưng Pichai vẫn trả lời các câu hỏi liên quan đến việc các nhà lãnh đạo có khả năng thấu hiểu và mang lại tâm lý an toàn.
Dưới đây là những điểm nổi bật trong cuộc trò chuyện.
Lãnh đạo là đưa ra quyết định
Pichai thừa nhận anh đã có chút ngạc nhiên khi được đề nghị đảm nhận chức CEO của một trong những công ty nổi tiếng nhất thế giới.
Pichai nói: "Khi bạn bước lùi lại, đó có thể sẽ là một đặc ân".
Nhưng khi được hỏi về những kinh nghiệm có được từ lúc đảm nhận vị trí lãnh đạo, câu trả lời đầu tiên của anh rất thú vị. Cụ thể, phần lớn công việc của anh không phải là đưa ra các quyết định quan trọng.
Pichai giải thích: "Có rất ít quyết định mang lại giá trị lớn, nếu quyết định sai sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chính những quyết định mang tính phát triển sẽ dẫn đến sự tiến bộ".
Với một tổ chức lớn như thế này (Alphabet, công ty mẹ của Google hiện đang có hơn 130.000 nhân viên), Pichai cho rằng rất dễ để các vấn đề trở nên bế tắc, đặc biệt là những vấn đề phức tạp. Đối với những vấn đề khó đưa ra quyết định, việc thảo luận liên tục sẽ giúp công ty phát triển dựa trên những mục tiêu có sẵn.
Công việc của Pichai là giữ cho những vấn đề đó không diễn ra. Anh học được cách vận hành như vậy từ cố vấn của mình, giám đốc điều hành kinh doanh và cựu huấn luyện viên bóng đá tại Đại học Columbia, Bill Campbell.
Campbell đã dạy rằng một trong những công việc chính của nhà lãnh đạo đó là "phá vỡ ràng buộc". Đó là đưa ra quyết định giúp các giám đốc điều hành hoặc đồng nghiệp giải quyết các bế tắc của họ.
Pichai giải thích thêm: "Huấn luyện viên Campbell luôn hỏi tôi: Em có đang phá vỡ những ràng buộc xung quanh? Những vấn đề nào mà em đã giải quyết được trong tuần này?"
"Lãnh đạo là đưa ra quyết định và thúc đẩy mọi thứ cùng tiến bộ".
Uỷ quyền cho mọi người
Trong những năm qua, tôi đã nghiền ngẫm về việc tạo ra tâm lý an toàn khi làm việc tại Google. Loại tâm lý này cho thấy mọi người sẽ làm việc tốt nhất khi họ cảm thấy an toàn với những đồng nghiệp xung quanh. Có nghĩa là họ có thể tự tin rằng họ sẽ không bị phạt khi đưa ra ý tưởng, nhận lỗi sai hoặc thậm chí là đặt câu hỏi.
Một trong những nơi tốt nhất để xây dựng môi trường an toàn về mặt tâm lý đó là trong những cuộc họp nhóm. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn nghe về cách Pichai dẫn dắt một cuộc họp tại Google và Alphabet.
Pichai cho biết: "Tôi đã suy nghĩ lại rất nhiều về bối cảnh trong những cuộc họp trực tiếp. Các cuộc họp kiểu vậy khó hơn bình thường, vì mọi người phải nhìn vào người đứng đầu cuộc họp. Trong khi một số người tham dự rất tự nhiên, thì một số khác có vẻ như bị ép buộc. Tôi cố gắng đưa họ hòa nhập với cuộc họp và đảm bảo mọi người đều tham dự thật thoải mái".
Điều này rất quan trọng. Bởi vì để có thể tận dụng tối đa các thành viên trong nhóm, bạn cần phải làm cho tất cả họ phát biểu. Họ bao gồm cả những người trầm lặng, hướng nội, hoặc những người hay đưa ra ý kiến đối lập. Những phản hồi đó ít nhất có thể cho bạn biết một phần nhỏ trong nhóm đang hành động theo các hướng khác nhau. Ngay cả khi bạn quyết định vận hành công việc theo hướng hiện tại, những ý kiến đó cũng có thể giúp đội nhóm hiểu thêm về mục tiêu và điều chỉnh lại cách thức làm việc.
Nhưng chính xác là Pichai đã làm thế nào để những người trầm lặng chịu phát biểu?
Anh nói: "Thật ra, tôi sẽ đi vòng quanh bàn, đi qua từng người và yêu cầu mọi người trình bày rõ ràng vị trí của họ. Điều này không chỉ khiến mọi người cảm thấy được lắng nghe, mà còn giúp họ thấy được họ mang một vai trò quan trọng đóng góp vào kết quả chung".
Pichai miêu tả quá trình vận hành Google là "một hành trình dài". Qua nhiều năm, anh đã đúc kết được rằng mục tiêu của mình phải thay đổi.
"Bạn không chỉ là một quản lý. Bạn là một huấn luyện viên đang cố gắng phát huy tối đa khả năng của những người khác. Điều đó được gọi là trao quyền thành công cho người khác. Để lãnh đạo hiệu quả, bạn phải hiểu được những người đang cùng làm việc với bạn, chứ không phải chỉ nhìn vào những gì họ mang lại", Pichai chia sẻ.
Anh nói tiếp: "Bạn phải đặt câu hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình họ và tạo ra mối quan hệ sâu sắc hơn".
Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi này, tôi thấy được Pichai là người cực kỳ thông minh và luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm vô giá của mình. Tuy vậy, nhưng anh vẫn có tính ham học hỏi và biết lắng nghe. Anh rất khiêm tốn, lịch thiệp và không tự phụ. Anh hoàn toàn trái ngược với những gì bạn có thể nghĩ về một CEO cấp cao làm việc khuôn khổ.
Bạn biết đó, với một số người, bạn vẫn có thể đưa ra yêu cầu thay đổi thời gian gặp mặt, để lo cho một cuộc hẹn cá nhân khác.
Và đó là tư duy xây dựng cảm xúc tốt nhất.